Đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc, thường do nhiễm trùng (do virus, vi khuẩn) hoặc dị ứng.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia. Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch từ mắt của người bệnh. Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau.
Bệnh dễ gây thành dịch và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần.
Nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ và những triệu chứng thường gặp
Do virus: Đau mắt đỏ có 65%-90% nguyên nhân là do virus, với các biểu hiện:
- Đỏ mắt, ngứa rát cộm mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị chói mắt.
- Chảy nước mắt, nhiều gỉ mắt bẩn, ghèn bám dính chặt hai mi mắt nhất là lúc mới ngủ dậy.
- Khó nhìn nhưng thị lực không giảm.
- Đỏ mắt, vùng mi mắt hơi sưng nề.
- Ngoài ra còn có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch ở tai, dưới hàm gây đau, họng đỏ, amidan sưng to.
Thời gian từ khi từ khi bị nhiễm đến khi phát bệnh là 3 ngày.
Bệnh lây do thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng vô tình mang virus từ bên ngoài vào cơ thể.
Virus Adeno là nhóm virus phổ biến gây bệnh viêm kết mạc
Do vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus,… Một vài triệu chứng điển hình như chảy nước mắt, ngứa, dính 2 mi mắt do có ghèn vàng hoặc vàng xanh nhạt vào buổi sáng lúc thức dậy. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như giảm thị lực không phục hồi, viêm loét giác mạc. Một người có thể bị lây đau mắt đỏ nếu tiếp xúc với dịch tiết nước mắt hoặc đồ dùng có dính dịch tiết nước mắt của người bệnh.
Do dị ứng: thông thường rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra dị ứng, có thể là do lông vật nuôi, thuốc, phấn hóa, bụi,…. Các triệu chứng của bệnh thường là ngứa và chảy nước mắt ở cả 2 mắt, có thể kèm theo viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do dị ứng thì không có khả năng lây lan.
Điều trị
Trong những ngày đầu bệnh diễn biến nhanh, tra nhiều lần thuốc dưới dạng dung dịch (15-30 phút/lần) một trong các thuốc sau: tobramycin, ofloxacin, iprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin…Thận trọng khi dùng Corticoid: Prednisolon acetat, Fluorometholon.
Khi bệnh thuyên giảm có thể giảm số lần tra mắt.
Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
Đeo kính râm để giảm triệu chứng chói mắt, bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, nhiễm khuẩn.
Không chế dung day dụi mắt, sở mắt.
Chú ý nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đế kháng và giúp bệnh mau phục hồi.
Cách phòng ngừa
– Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày.
– Vệ sinh mắt mỗi ngày với nước muối sinh lý 0.9%.
Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ với nước muối sinh lý hàng ngày để phòng tránh đau mắt đỏ
– Không dùng chung khăn mặt, mỗi người nên có một chiếc khăn mặt riêng.
– Tránh để các loại hóa chất như sữa tắm, dầu gội,… dây vào mắt
– Sử dụng kính chắn bụi, gió khi ra đường.
– Có chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây.
– Khi vào mùa dịch nên hạn chế tiếp xúc tại những nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
– Nên chọn những bể bơi sạch, đạt tiêu chuẩn khi đi bơi, đồng thời sử dụng kính bơi và rửa mắt với nước muối sinh lý 0.9% ngay sau khi bơi.
– Thường xuyên mở cửa thông gió và luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
– Nếu nhà có người bị đau mắt đỏ thì cần được cách ly hợp lý, ví dụ như đeo khẩu trang kể cả khi không ra ngoài, tuyệt đối không ôm hôn người khác nhất là trẻ em.
Bác sĩ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng Kế hoạch tổng hợp