Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) là vắc xin được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm dùng cho người. Là dạng hỗn dịch vô khuẩn, đồng nhất, màu trắng đục chứa giải độc tố uốn ván tinh chế trên phốt phát nhôm.
- Chỉ định
Vắc xin uốn ván hấp phụ được chỉ định dùng gây miễn dịch chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván.
2. Chống chỉ định
– Tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin
– Hoãn tiêm chủng nếu người tiêm có tình trạng bệnh lý mà cán bộ tiêm chủng nhận thấy không an toàn khi tiêm vắc xin (sốt trên 38,5oC, bệnh nhiễm trùng cấp tính…) hoặc không đảm bảo hiệu quả của vắc xin (đang dùng thuốc ức chế miễn dịch trên 14 ngày, mắc lao thể hoạt động…).
3. Cách dùng và liều lượng
Cách dùng:
– Trước khi dùng phải quan sát kỹ lọ vắc xin, lắc kỹ lọ vắc xin cho đến khi tạo hỗn dịch đồng nhất.
– Vắc xin được sử dụng qua đường tiêm bắp sâu (thường tiêm vào cơ delta).
Liều dùng:
Liều khuyến cáo đối với phụ nữ có thai và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ:
v Nếu chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin uốn ván thì lịch tiêm vắc xin uốn ván áp dụng đúng lịch tiêm theo thông tư 26/2011/TT-BYT ngày 24 tháng 6 năm 2016 do Bộ Y tế ban hành, cụ thể gồm 5 mũi uốn ván hấp phụ (TT) hoặc tiêm vắc xin uốn ván – bạch hầu liều thấp (Td) như sau:
Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc trong độ tuổi sinh đẻ.
Lần 2: Ít nhất 4 tuần sau lần 1.
Lần 3: Ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc thời kỳ có thai lần sau.
Lần 4: Ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc thời kỳ có thai lần sau.
Lần 5: Ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc thời kỳ có thai lần sau.
v Đã tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần uốn ván (một trong các loại vắc xin phối hợp 3/1; 4/1; 5/1 hoặc 6/1) khi dưới 1 tuổi thì tiêm chủng vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) hoặc vắc xin uốn ván bạch hầu hấp phụ (Td) theo lịch tiêm sau:
Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc trong độ tuổi sinh đẻ
Lần 2: Ít nhất 4 tuần sau lần 1.
Lần 3: Ít nhất 1 năm sau lần 2.
v Đã tiêm 03 mũi vắc xin có thành phần uốn ván (một trong các loại vắc xin phối hợp 3/1; 4/1; 5/1 hoặc 6/1) khi dưới 1 tuổi và 01 mũi tiêm nhắc lại lúc 18 – 48 tháng thì tiêm chủng vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) hoặc vắc xin uốn ván bạch hầu hấp phụ (Td) theo lịch tiêm sau:
Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc trong độ tuổi sinh đẻ.
Lần 2: Ít nhất 1 năm sau lần 1.
v Đã tiêm 03 mũi vắc xin có thành phần uốn ván (một trong các loại vắc xin phối hợp 3/1; 4/1; 5/1 hoặc 6/1) khi dưới 1 tuổi và 01 mũi tiêm nhắc lại lúc 18 – 48 tháng và 1 mũi nhắc lại ở lứa tuổi thiếu niên thì tiêm chủng thêm 1 mũi vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) hoặc vắc xin uốn ván bạch hầu hấp phụ (Td) khi có thai lần đầu hoặc trong độ tuổi sinh đẻ.
4. Chống chỉ định
– Tiền sử quá mẫn với bất kì thành phần nào của vắc xin.
– Hoãn tiêm chủng nếu người tiêm có tình trạng bệnh lý mà cán bộ tiêm chủng nhận thấy không an toàn khi tiêm vắc xin (sốt trên 38oC; bệnh nhiễm trùng cấp tính…) hoặc không đảm bảo hiệu quả của vắc xin (đang dùng thuốc ức chễ miễn dịch trên 14 ngày, mắc lao thể hoạt động…)
5. Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng
Chú ý đề phòng và thận trọng trong khi sử dụng:
– Vắc xin có thể bị ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch nếu dùng đồng thời với liệu pháp ức chế miễn dịch.
– Tỷ lệ và mức độ nặng của tác dụng không mong muốn ở người được tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) được cho là bị ảnh hưởng bởi số liều đã tiêm trước đó và nồng độ kháng thể đã có sẵn trong cơ thể.
– Không tiêm vào tĩnh mạch để tránh sốc phản vệ.
– Không tiêm vào trong da hoặc tiêm dưới da, nếu tiêm nhầm vào dưới da thì các phản ứng phụ sẽ rất rầm rộ do vắc xin chứa muối nhôm.
– Đối với người bị rối loạn chảy máu (bệnh máu khó đông, giảm tiểu cầu hoặc dùng liệu pháp kháng đông) cần thận trọng khi tiêm bắp vì có thể gây tụ máu nơi tiêm.
– Không tiêm quá liều
– Không chống chỉ định đối với phụ nữ đang cho con bú
– Các lọ vắc xin đã được hút vắc xin ra và đang sử dụng trong buổi tiêm chủng sẽ không được phép sử dụng trong buổi tiêm chủng tiếp theo.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Đối với phụ nữ có thai: Vắc xin uốn ván được chỉ định cho mọi người kể cả người mang thai do tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Mặc dù không có bằng chứng về tác dụng gây quái thai của vắc xin uốn ván, nên chờ sang tháng thứ nhì của thai kỳ mới tiêm chủng vắc xin này. Đó là sự thận trọng hợp lý để giảm thiểu bất kỳ nguy cơ nào đối với thai.
Đối với thời kỳ cho con bú: Hiện nay không có dữ liệu về việc dùng vắc xin cho người đang cho con bú.
6. Tác dụng không mong muốn của thuốc
Tác dụng không mong muốn sau khi tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) gồm có:
– Phản ứng nhẹ tại chỗ như đau và ban đỏ thường xảy ra trong những ngày đầu sau khi tiêm, chiếm tỷ lệ từ 25 – 85%. Trong 1 số trường hợp có thể có nốt chai cứng tại chỗ tiêm, giữ trong vài tuần. Áp xe vô khuẩn có thể xảy ra nhưng hiếm gặp, tỷ lệ 6-10/1 triệu liều.
– Phản ứng nhẹ toàn thân như gai sốt, ớn lạnh, rùng mình, nhức mỏi, đau đầu xảy ra ở các mũi tiêm nhắc lại, tỷ lệ 0.5-10%. Tất cả các phản ứng không mong muốn đều ở mức độ nhẹ và thường tự khỏi sau 1-2 ngày, không cần điều trị.
– Có thể gặp dị ứng hay sốc phản vệ nhưng hiếm gặp, tỉ lệ sốc phản vệ 1-6/1 triệu liều. Trong những trường hợp này cần được xử trí cấp cứu kịp thời theo quy định về an toàn tiêm chủng.
– Phản ứng nặng tại vị trí tiêm có thể xảy ra được cho là phản ứng giữa kháng thể có sẵn với kháng nguyên tại chỗ tiêm (dạng phản ứng Arthus) ở các mũi tiêm nhắc lại trên người quá mẫn cảm.
– Có thể bị rối loạn chức năng các dây thần kinh cánh tay, bả vai nhưng hiếm gặp, không liên quan đến thần kinh trung ương.
7. Tương tác, tương kỵ của thuốc
Tương tác của thuốc: Khi sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp tia xạ, cơ thể phòng vệ bình thường bị ức chế và đáp ứng tạo kháng thể của người bệnh với vắc xin uốn ván có thể giảm. Nếu phải ngừng một thời gian ngắn liệu pháp ức chế miễn dịch, thì thường phải hoãn lại việc tiêm chủng vắc xin uốn ván một tháng kể từ khi ngưng dùng các thuốc ức chế miễn dịch.
Tương kỵ của thuốc: Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác. Nếu cần dùng đồng thời phải sử dụng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí cách xa vị trí tiêm vắc xin uốn ván.
- Tiêm phòng vắc xin uốn ván tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh
Thực hiện tiêm chủng tại Phòng tiêm chủng – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh:
- Đối tượng tiêm chủng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa sản, nhi – vắc xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc xin phòng bệnh và phác đồ tiêm theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt và an toàn nhất.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và mẹ.
- 100% đối tượng tiêm chủng được theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Đội ngũ tiêm chủng luôn sẵn sàng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
Khi cần tư vấn về thông tin các mũi tiêm chủng vắc xin, vui lòng đến trực tiếp hoặc liên hệ theo số hotline: 0915.970.783 hoặc 0836.116.990 – Khoa Khám Bệnh – Phòng Tiêm chủng dịch vụ – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh để thêm thông tin chi tiết.
Tài liệu tham khảo
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc
DS Nguyễn Thị Mỹ – Tổ DLS & thông tin thuốc – Khoa Dược
——————————————————————————————–
![]() |
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn