Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 kéo dài hơn nửa năm nay, dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng vào thời điểm đỉnh dịch nhưng chưa có sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng.
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước. So với cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp.
Sốt xuất huyết là một căn bệnh do 4 loại virus có liên quan do muỗi Aedes lây lan gây ra. Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.
Ảnh bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới – tiêu hóa nhi khám bệnh nhân sốt xuất huyết
Các biểu hiện sốt xuất huyết có thể từ nhẹ bao gồm sốt nhẹ, đau đầu cho đến nặng như sốc, đe dọa tính mạng. Các chủng virus sốt xuất huyết gây bệnh tạo miễn dịch yếu và mất đi sau vài tháng, do đó tất cả mọi người sống trong vùng dịch lưu hành đều có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết.
Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, hãy đưa con đến Khoa Bệnh nhiệt đới – tiêu hóa Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh để khám sớm nhất. Tại đây, trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa khám, thực hiện các xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết và điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh theo tiêu chuẩn.
Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh sốt xuất huyết nhưng chăm sóc hỗ trợ là điều cần thiết.
- Dùng thuốc hạ sốt khi sốt xuất huyết
Thuốc giảm đau, hạ sốt thường được dùng để kiểm soát các triệu chứng đau nhức cơ và sốt cao (trên 38.5 độ C). Lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng này là Paracetamol liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là trẻ 10kg uống 1 gói 150mg/lần còn trẻ trên 30kg có thể uống 1 viên 500mg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.
Đồng thời, có thể kết hợp với các phương pháp hạ sốt vật lý như chườm mát ở vị trí nách, bẹn, các nếp gấp, còn lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt. Khi toàn thân được lau bằng nước ấm thì nhiệt độ cơ thể tỏa ra sẽ nhanh hơn.
Ngoài ra, cần chú ý cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng, nghỉ ngơi tuyệt đối ở môi trường thoáng mát. Bởi khi trẻ sốt cao, cơ thể có cảm giác ớn lạnh thì nhiều người không biết lại đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo, càng làm hạn chế quá trình tỏa nhiệt của cơ thể.
Lưu ý: Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.
- Bù dịch đúng cách
Một nhầm lẫn mà nhiều người mắc phải đó là sốt xuất huyết Dengue gây ra mất nước. Tuy nhiên, sự thật là đa phần bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đủ hoặc thừa nước ngay từ lúc mới bắt đầu truyền dịch cấp cứu.
Vậy tại sao phải truyền dịch cấp cứu trong trường hợp sốc Dengue? Câu trả lời nằm ở chỗ sốt xuất huyết gây thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạnh sốc. Vì vậy, phải bù dịch ngay để tránh sự nguy hiểm có thể xảy ra cho người bệnh bằng đường uống và đường tĩnh mạch.
+ Đường uống:
Trong sốt xuất huyết Dengue thể nhẹ phải bù dịch sớm bằng đường uống, khuyến khích người bệnh uống nhiều dung dịch oresol hoặc nước sôi để nguội; nước trái cây như nước dừa, nước cam, nước chanh… hoặc nước cháo loãng pha với muối.
Khi uống oresol cần pha đúng tỷ lệ với nước đun sôi để nguội mà nhà sản xuất khuyến cáo.
Dung dịch oresol sau khi pha nên uống rải rác trong vòng 24 giờ, nếu không dùng hết sau 24h thì bỏ đi và pha gói mới, không bảo quản dung dịch trong tủ lạnh rồi uống tiếp.
+ Đường tĩnh mạch:
Đối với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo nặng nên xem xét truyền dịch Ringer lactat, NaCl 0,9%, chỉ định truyền và theo dõi truyền dịch cần có nhân viên y tế giám sát đánh giá diễn biến.
- PHÒNG NGỪA
- Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết là tránh bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Để giảm nguy cơ bị muỗi đốt, hãy hạn chế tối đa việc bạn tiếp xúc với muỗi
- Lên lịch cho các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm loại muỗi này ít phổ biến hơn. Tránh ra ngoài trời vào lúc bình minh, hoàng hôn và đầu giờ tối, khi có nhiều muỗi.
- Mặc áo sơ mi dài tay, quần dài, đi tất và đi giày.
- Ngủ trong màn kể cả ban ngày, Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
- Kiểm tra các nguồn nước tù đọng gần nhà và vườn của bạn – đây là những nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết / zika sinh sản và nơi ấu trùng sinh sống.
- Sử dụng thuốc chống thấm có nồng độ DEET 10–30% trên da của bạn. Chọn nồng độ dựa trên số giờ bảo vệ bạn cần – nồng độ 10% của DEET có hiệu quả trong khoảng hai giờ; nồng độ cao hơn kéo dài hơn.
- Hóa chất xua đuổi có thể độc hại, vì vậy chỉ sử dụng lượng cần thiết. Không sử dụng DEET trên tay của trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi. Thay vào đó, hãy phủ mùng cho xe đẩy hoặc cũi của trẻ khi ra ngoài.
BS Lê Thị Hoa – Bệnh nhiệt đới tiêu hóa Nhi