Cảnh báo bệnh viêm não vi rút mùa hè
Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Hương – Phó trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, mùa hè là thời điểm các trường hợp mắc viêm não/màng não gia tăng do các tác nhân gây bệnh phát triển. Viêm não/màng não có thể điều trị khỏi, không để lại di chứng nhưng quan trọng nhất là trẻ phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Đầu tháng 5/2020, bé Nguyễn Văn B.A, 25 tháng tuổi, địa chỉ Thái Bảo – Gia Bình – Bắc Ninh, vào điều trị tại Khoa Tiêu hóa – Truyền nhiễm Nhi Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh trong tình trạng nôn, sốt cao, co giật. Bé nhanh chóng được nhập viện theo dõi viêm não/màng não. Qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm chính xác, bé B.A được các bác sĩ chẩn đoán xác định và điều trị viêm não.
Bệnh nhân đã dần hồi phục sau 8 ngày điều trị
Nhân trường hợp trên, chúng tôi xin đưa ra một số điểm cần lưu ý về bệnh viêm não ở trẻ em.
- Viêm não là gì?
– Viêm não cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở mô não – có thể lan tỏa hay khu trú, do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng phần lớn là do một số loại virus.
– Bệnh viêm não cấp do virus có thể lây truyền qua muỗi đốt (đối với các loại arbovirus như viêm não Nhật Bản); qua đường hô hấp (như virus Herpes Simplex-HSP) hoặc qua đường tiêu hóa (như các loại virus đường ruột). Bệnh thường khởi phát cấp tính diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong và di chứng khá cao; hay gặp ở trẻ em với các độ tuổi khác nhau.
- Viêm não hay gặp trong thời gian nào?
Bệnh viêm não cấp gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc có xu hướng tăng vào mùa nóng (từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm).
- Những triệu chứng hay gặp trong viêm não là gì?
– Sốt: là triệu chứng phổ biến, xảy ra đột ngột, sốt liên tục 39 – 40 độ C nhưng có khi sốt cũng không cao.
– Nhức đầu, quấy khóc, kích thích, kém linh hoạt.
– Co giật.
– Buồn nôn, nôn.
– Rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng như: ngủ gà, li bì, lơ mơ đến hôn mê.
Có thể có các triệu chứng khác tùy theo loại virus như:
+ Ho, chảy nước mũi;
+ Tiêu chảy, phân không có nhày, máu;
+ Phát ban: Phát ban bọng nước hoặc ban ở lòng bàn tay, bàn chân, loét hậu môn.
Để nhận biết sớm bệnh viêm não/màng não, cha mẹ có thể quan sát những dấu hiệu nghi ngờ ở trẻ như trẻ thường có sốt, nôn (nếu viêm não thường là nôn vọt) và có thể có các triệu chứng thần kinh như co giật, lơ mơ, nói nhảm…Khi đó, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Để phòng tránh bệnh viêm não/màng não do vi rút, chúng tôi khuyến cáo:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản: tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản:
– Mũi 1: Lúc trẻ được 1 tuổi;
– Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
– Mũi 3: Cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Nguyễn Thị Ngọc – Khoa Tiêu hóa Truyền nhiễm