Khoa Ngoại nhi phẫu thuật nội soi thành công ca bệnh nghẹt ruột do dây chằng và lỗ thủng tiên phát ở mạc nối lớn
Đây là ca phẫu thuật nội soi nghẹt ruột lần đầu tiên tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, đã được các bác sỹ khoa Ngoại nhi thực hiện thành công, mang lại niềm vui và sự hài lòng cho người bệnh.
Nghẹt ruột là tình trạng tắc ruột khi 1 hoặc vài quai ruột bị gập góc chui vào 1 lỗ thủng tiên phát trong ổ bụng (mạc treo, mạc nối,…) gây tình trạng thiếu nuôi dưỡng của quai ruột.
Ngày 25/5/2020, Khoa Ngoại nhi – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tiếp nhận một bệnh nhân là trẻ nữ 11 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, không có tiền sử phẫu thuật ổ bụng, ở nhà xuất hiện đau bụng, nôn cách vào viện khoảng 3 tiếng, trẻ đau bụng âm ỉ tăng dần kèm theo nôn, 2 ngày chưa đi ngoài. Trẻ nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều vùng quanh rốn, nôn vài lần. Qua thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ nhận thấy:
Trẻ tỉnh táo, đau bụng liên tục tăng dần, trẻ đỡ đau khi gập đùi vào bụng. Không có dấu hiệu nhiễm trùng. Bụng mềm, chướng bụng tăng dần theo triệu chứng lâm sàng trẻ đau liên tục tăng dần. Bụng có điểm đau khu trú vùng cạnh rốn trái. Quai ruột nổi (-). Trẻ vẫn trung tiện được. Sau thụt tháo trẻ đi ngoài được phân vàng, không máu, tuy nhiên sau khi đi ngoài trẻ không đỡ đau. Thăm hậu môn trực tràng rỗng, không có máu theo găng.
Kết quả cận lâm sàng:
Xquang lúc nhập viện: không phát hiện bất thường;
Xquang lần 2: các quai ruột chứa nhiều hơi, không có hình ảnh vòm hơi mức dịch
Xquang lúc nhập viện |
Xquang lần 2 sau 10 tiếng |
Siêu âm ổ bụng lúc nhập viện không phát hiện bất thường trong ổ bụng;
Siêu âm lần 2: vùng cạnh rốn trái quan sát thấy hình anh quai ruột, trong có nhiều lớp trung tâm là mạc treo đường kính 26mm, xung quanh có thâm nhiễm dày 11mm, ổ bụng không quan sát thấy dịch;
CT scanner: Vùng hạ sườn trái và mạn sườn trái có một khối thâm nhiễm kích thước 28x27mm, sau tiêm thuốc các quai ruột ngấm thuốc tốt, có tổ chức mỡ thâm nhiễm xung quanh
Hình ảnh CT Scanner của bệnh nhân
Xét nghiệm máu bình thường
Với những triệu chứng ban đầu và kết quả cận lâm sàng như trên, trẻ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu với chẩn đoán sơ bộ: Theo dõi xoắn mạc nối hoại tử chưa loại trừ nghẹt ruột
BSCKII.ThS Nguyễn Công Hùng – Trưởng khoa Ngoại nhi, phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết: khi cho camera vào ổ bụng quan sát thì thấy vùng cạnh rốn trái tương ứng với vị trí đau trên lâm sàng có 1 quai ruột giãn to gập góc gây nghẹt (không xoắn), có tím nhẹ do tình trạng ứ trệ tuần hoàn, nguyên nhân gây tình trạng nghẹt ruột được xác định là đại tràng ngang di động chui vào một lỗ tiên phát ở mạc nối lớn, ngoài ra trong ổ bụng còn có một dây chằng tiên phát từ lỗ thủng tiên phát mạc nối lớn dính vào dưới gan trái đè vào các quai ruột gây tình trạng nghẹt ruột. Kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt dây chằng giải phóng các quai ruột bị dây chằng chèn ép, quai đại tràng ngang (kíp mổ phát hiện đại tràng ngang dài bất thường) bị nghẹt được gỡ khỏi lỗ thoát vị mạc nối lớn. Sau khi cắt dây chằng và được giải phóng, các quai ruột hồng hào trở lại, kiểm tra ổ bụng không phát hiện bất thường.
Trẻ được chẩn đoán xác định: Nghẹt ruột.
Sau mổ trẻ hết đau bụng, chỉ đau quanh vị trí chọc troca, tình trạng chướng bụng giảm dần, không nôn trớ, trẻ được xuất viện sau 05 ngày điều trị.
Các trường hợp nghẹt ruột thường diễn biến tăng dần với triệu chứng đau bụng và tình trạng chướng bụng tăng dần khi quai ruột thiếu nuôi dưỡng tăng dần. Vì vậy, với các trường hợp đau bụng liên tục tăng dần kèm theo nôn và chướng bụng ở trẻ nhỏ chúng ta cần đặt ra chẩn đoán nghẹt ruột để theo dõi sát sao trước khi quai ruột thiếu nuôi dưỡng quá lâu dẫn đến hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng nhiễm độc,…để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.
Nguyễn Phương Thảo – Phòng KHTH