Bệnh Tay Chân Miệng – Những điều cần biết!
Tay chân miệng là bệnh phổ biến ở một số nước trên thế giới, gây ra các vụ dịch lớn, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số ca mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, năm 2019 có hơn 300 ca mắc tay chân miệng, từ đầu tháng 6/2020 đến nay số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng vào viện có xu hướng tăng mạnh (từ ngày 01-12/06 có hơn 30 bệnh nhân tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện).
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Các nốt phỏng nước trong bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh nhi TCM đã được khám và điều trị kịp thời tại BVSN Bắc Ninh
Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vacxin phòng bệnh, chỉ điều trị hỗ trợ bằng cách điều trị triệu chứng và chăm sóc tốt để phòng ngừa biến chứng. Khi mắc bệnh nếu không được theo dõi sát, phát hiện sớm sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp … và có thể dẫn đến tử vong, trở thành mối lo ngại cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng như sau:
– Khi trẻ có các biểu hiện sốt, xuất hiện các nốt tổn thương ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, gối, khuỷu, mông… cần đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
– Trẻ có thể theo dõi và chăm sóc ở nhà nếu như bị bệnh thể nhẹ.
– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.
– Cho trẻ ăn đầy đủ và đảm bảo dinh dưỡng. Thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt. Tránh những thức ăn thô, cứng, cay, nóng, mặn vì có thể khiến vết loét ở miệng thêm trầm trọng.
– Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt nước trái cây để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
– Vệ sinh cá nhân:
+ Tắm rửa hàng ngày. Tuyệt đối không kiêng tắm vì sẽ làm bệnh lâu khỏi hơn.
+ Nên vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ. Đối với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý.
+ Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
+ Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
– Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
– Lau sàn bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
– Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ mắc tay chân miệng có một trong các dấu hiệu: trẻ sốt từ 39 độ C, sốt trên 2 ngày, sốt không có đáp ứng với thuốc hạ sốt, nôn nhiều, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ, ngủ gà, co giật hay giật mình nhiều…
Bùi Thị Huệ – Khoa Nội nhi