Các xét nghiệm mẹ bầu cần biết trong thai kỳ
Khi mang thai cơ thể mẹ có rất nhiều thay đổi, do đó việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm đóng vai trò rất quan trọng cho mẹ bầu trong thai kỳ.
Để đảm bảo cho quá trình mang thai và sinh nở diễn ra được thuận lợi và an toàn, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh đang cung cấp các xét nghiệm cơ bản và nâng cao nhằm giúp kiểm soát, theo dõi và tư vấn cho các mẹ bầu có sức khỏe tốt hơn.
- Trước khi mang thai
Trước khi quyết định mang thai bạn nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại, phát hiện các bệnh có thể lây truyền sang con nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời. Bạn nên làm các xét nghiệm sau:
+ Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nhóm máu ABO và Rh
+ Xét nghiệm sinh hóa máu, đông máu và nước tiểu
+ Xét nghiệm vi sinh như: HIV, viêm gan B,C, giang mai, herpes, lậu
“ Quá trình mang thai được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của mỗi người phụ nữ sau khi đã quan hệ “
– Để xác định được mình mang thai hay không bạn có thể làm xét nghiệm “Beta HCG” để xác định một cách chính xác nhất. Việc định lượng beta HCG cho phép chẩn đoán có thai sớm ngay cả khi chưa có dấu hiệu trễ kinh. Bằng cách đo lường chính xác nồng độ beta HCG với độ nhạy cao, có thể xác định đã thụ thai ngay từ ngày thứ 8, 9 sau khi rụng trứng, tức ngày thứ 22, 23 của chu kỳ kinh nguyệt (áp dụng với phụ nữ có chu kỳ kinh đều khoảng 28 ngày).
- Trong thai kỳ
Sau khi xác định được mình đã có thai, bạn nên đến khám và làm các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu
Trong lịch trình khám thai, bạn sẽ có các xét nghiệm khi mang thai liên quan đến máu. Một số xét nghiệm được áp dụng cho tất cả phụ nữ mang thai và một số xét nghiệm khác chỉ được yêu cầu thực hiện khi bạn có nguy cơ mắc một chứng bệnh nào đó. Dựa trên kết quả xét nghiệm kiểm tra định kỳ trước sinh, Bác sỹ sẽ đưa ra hướng dẫn về một số xét nghiệm nên làm. Dưới đây là danh sách tất cả các xét nghiệm được đề nghị trong thai kỳ:
Xét nghiệm Miễn dịch được thực hiện trên máy miễn dịch Acces II
Các xét nghiệm về máu:
– Tiểu đường: Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ cao hơn nếu bạn thừa cân, có tiền sử tiểu đường, có họ hàng mắc bệnh tiểu đường. Nếu có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao, Bác sỹ sẽ gợi ý bạn thực hiện các xét nghiệm trong thai kỳ, bao gồm xét nghiệm máu.
– Thiếu máu: Thiếu máu khiến bạn mệt mỏi và giảm khả năng chịu đựng với sự mất máu trong suốt quá trình sinh nở. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn bị thiếu máu, Bác sỹ sẽ kê toa thuốc bổ sung sắt và acid folic cho bạn.
- Xét nghiệm nước tiểu
Khi đi khám thai, bạn sẽ được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra một vài chỉ số như hàm lượng protein hoặc albumin. Nếu những chất này xuất hiện, có thể bạn đang mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm nào đó cần được điều trị.
Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu của triệu chứng tiền sản giật. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, tiền sản giật cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu, trong đó có tai biến mạch máu.
Có khoảng 5% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này trong thai kỳ của mình.
- Xét nghiệm đường huyết thai kỳ
Nếu thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với tiểu đường hoặc đang có những dấu hiệu như có đường trong nước tiểu, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm xét nghiệm thử glucose trước tuần thứ 24 của thai kỳ.
Nếu kết quả là bình thường, bạn sẽ được tầm soát một lần nữa vào tuần 24 đến 28. Khi đến kiểm tra, Bác sỹ sẽ tiến hành lấy mẫu máu để kiểm tra đường huyết lúc đói.
Sau đó, mẹ bầu sẽ được cho uống một lượng dung dịch glucose. Cách một giờ, mẹ bầu sẽ được lấy mẫu máu. Sau 3 lần lấy máu, nếu có 2 kết quả dương tính trở lên, bác sỹ có thể kết luận bạn đã mắc tiểu đường thai kỳ.
- Xét nghiệm dị tật thai nhi
Với những thai phụ có một hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ dưới đây:
Tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh;
Thai phụ đã trên 35 tuổi;
Đang sử dụng các chất có hóa chất gây hại cho thai nhi;
Thai phụ bị tiểu đường và sử dung insulin;
Thai phụ bị nhiễm virus trong quá trình mang thai;
Thai phụ đã từng tiếp xúc với chất phóng xạ liều lượng cao;
Thai phụ có tiền sử sinh non, sảy thai, thai lưu chưa rõ nguyên nhân;
Thai phụ hút thuốc lá;
Thai phụ có nghi ngờ hình ảnh dị tật trên kết quả siêu âm.
Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, tất cả các bà mẹ mang thai bắt buộc phải đi xét nghiệm để tầm soát nguy cơ cho em bé của mình.
Ngày nay có rất nhiều phương pháp để có thể giúp bác sĩ nhanh chóng phát hiện được sự bất thường của bào thai, và một trong những phương pháp phổ biến nhất là:
- Double test: Phương pháp thường được thực hiện khi thai nhi được 11-13 tuần, tốt nhất là vào tuần thứ 12. Double testcó thể phát hiện ra hội chứng Trisomy 13 (thừa NST 13), khi kết hợp với siêu âm độ mờ da gáy có thể phát hiện nguy cơ bị Down, dị tật chân tay, tim mạch, sứt môi, hở hàm..
- Triple test: Phương pháp thường được thực hiện khi thai nhi được 16 – 18 tuần. Phương pháp xét nghiệm này giúp phát hiện sớm nguy cơ thai nhi bị dị tật ống thần kinh hay không.
- Chọc ối: Phương pháp này nên tiến hành từ tuần 15-19 của thai kỳ, nhằm chỉ ra các rối loạn nhiễm sắc thể của thai nhi.
- Siêu âm 4D: Đây là phương pháp trước khi sinh sẽ mang lại hiệu quả rõ ràng nhất, trong việc phát hiện dị tật ở thai nhi từ tuần 22-24. Khi tiến hành siêu âm 4D, sẽ cho thấy rõ hình thái của nhai nhi khi bị các vấn đề về dị dạng, sứt môi, nhịp tim…
Ths. Lê Xuân Dân – TK XNTT