Con đến với chúng tôi vào một ngày bình thường như bao ngày khác, như bao bệnh nhân khác. Con là T.T.T – cái tên cho đến bây giờ không ai trong số chúng tôi không biết. Nhớ ngày đầu con vào viện với những nốt ban đỏ và những cơn sốt, 1-2 ngày sau, ban đỏ dần mất đi và những cơn sốt dần thưa hơn. Vậy mà sau đó, con xuất hiện những cơn co giật toàn thân, tôi thực hiện theo y lệnh của bác sĩ mà trong lòng không ngừng mong con đừng giật, đừng sốt nữa, mong sao những cơn giật đấy không phải là động kinh hay viêm não – viêm màng não. Con còn quá nhỏ bé để chịu đựng những nỗi đau này, không biết con có nghe và hiểu được suy nghĩ của tôi hay không.
Điều không mong muốn cuối cùng cũng xảy ra, con phải tiến hành thủ thuật chọc dịch não tủy với chẩn đoán theo dõi viêm não – viêm màng não. Chứng kiến những lần hội chẩn của các bác sĩ cùng những lời động viên của Bs Phạm Thị Thanh Hương (phó TK Nội Nhi tổng hợp) mà tôi cảm thấy nghẹn lòng cùng với niềm cảm thương cho con. Sau khi được biết về tình trạng bệnh của con, gia đình có nguyện vọng được chuyển con lên tuyến trên để điều trị nhưng sau khi nghe Bs Hương giải thích, bố mẹ con nhìn nhau và rớm nước mắt: “Bác sĩ ơi, cứu con cháu với!”. Nghe được câu nói đó, tất cả chúng tôi dường như có thêm động lực, quyết tâm để cứu lấy con. Hy vọng thủ thuật chọc dịch não tủy sẽ được tiến hành thành công!
Con rất ngoan và hợp tác trong quá trình lấy dịch. Giữ con, nhìn con mỉm cười mà tôi không cầm được cảm xúc nghẹn ngào. Con mới được 7 tháng tuổi thôi vậy mà sao con cũng hiểu được việc các cô, các bác sĩ đang làm cho con là tốt, là đúng đắn. Rất may mắn là thủ thuật đã được thực hiện thành công, con nằm ngủ ngoan với tác dụng của thuốc an thần.
Hình ảnh con – T.T.T bình yên trong giấc ngủ
Xét nghiệm của con là xét ngiệm đầu tiên được Bệnh viện liên hệ và gửi ra Bệnh viện Nhi Trung ương để xác định nguyên nhân bệnh. Sau đó con được chẩn đoán xác định là Viêm não do HSV. Tưởng chừng bão táp đã đi qua để con được đón những ngày bình yên nhưng ngày sau đó là những cơn co giật, phải xử trí và tiêm truyền rất nhiều. Dường như những lần thức đêm để tiêm cho con khiến mẹ con cũng quen với giờ đó mà không cần đồng hồ báo thức, mẹ vẫn luôn đúng giờ tiêm. Được tiêm nhiều nên ven của con cũng ngày càng trở nên khó lấy hơn, như hiểu được điều các cô đang làm nên con rất ngoan và hợp tác, không chỉ có vậy mà cả mẹ con cũng rất phối hợp để các cô lấy được ven cho con.
Đúng là trồng cây ai cũng mong đến ngày hái quả, con đã được các cô, các bác sĩ chăm sóc, điều trị đến nay đã được 24 ngày, với người khác là bình thường nhưng với con, với bố mẹ con và với chúng tôi thì như một kỳ tích. Đêm cuối cùng trước ngày con được ra viện con cứ khóc suốt đêm, mẹ con dỗ thế nào cũng không nghe vậy mà cô Oanh – điều dưỡng vừa đưa tay ra là con đã vội theo cô ngay, nghe cô ru ngủ. Chẳng biết từ bao giờ con lại quen với những lời ru của cô Oanh nữa.
Đối với chúng tôi, con như một thành viên trong gia đình
Oanh bảo với tôi rằng “T nó thích mình hay sao ý”, tôi bảo rằng “vì con ở đây với các cô, nhiều đêm thức cùng các cô nên cũng quen rồi, bao giờ các cô ngủ thì con mới chịu đi ngủ”, Oanh nhìn tôi cười và quay ra bảo với mẹ T rằng “hay là mẹ cho T nằm cùng cô để cô ru T ngủ nhé”, mẹ con bảo rằng “chỉ sợ sau về nhà T lại cứ phải nhìn thấy các bác mới chịu đi ngủ, vậy mẹ cháu lại phải xin hộ khẩu ở đây luôn”. Nhìn những nụ cười và ánh mắt của mẹ T tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi giờ đây T đã hoàn toàn được khỏe mạnh, vui đùa, nghịch ngợm và tươi cười bên bố mẹ con. Ngày con được ra viện mà cả khoa ai gặp cũng hỏi thăm cùng một câu “Hôm nay T được ra viện à?”, không giấu được cảm xúc vui mừng. Cảm ơn con, cảm ơn gia đình con đã tin tưởng để chúng tôi có thêm động lực cống hiến và yêu nghề hơn. Chúc con khỏe mạnh và bình an nhé – thiên thần bé nhỏ với nụ cười thật đáng yêu!!!
ĐD. Bùi Thị Huệ – ĐN Nhi truyền nhiễm