Ẩn tinh hoàn là bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục phổ biến ở trẻ trai, nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể mất chức năng của tinh hoàn, thậm chí gây ung thư tinh hoàn về sau. Chính vì vậy các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết cơ bản về bệnh để có thể phát hiện và đưa trẻ đi khám sớm.
- Ẩn tinh hoàn là gì?
Ẩn tinh hoàn hay Tinh hoàn chưa xuống bìu là bệnh lý mà tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ống bẹn hay trong ổ bụng
Tỷ lệ mắc bệnh : 3-5 % ở trẻ sơ sinh đủ tháng, khoảng 20 % ở trẻ đẻ non. Ở trẻ sau sinh có tinh hoàn không xuống bìu có nhiều trường hợp tinh hoàn có thể tự xuống bìu trong khoảng 3 tháng đầu vì vậy trong thời gian này chưa cần can thiệp hoặc điều trị gì. Sau 6 tháng mà tinh hoàn chưa xuống bìu thì thường sẽ không tự di chuyên được xuống bìu lúc này cần thiết phải được điều trị
Ẩn tinh hoàn thường hay được phát hiện ở những trẻ có rối loạn nội tiết, có dị tật bẩm sinh khi sinh hoặc có bất thường về di truyền, tuy nhiên bệnh cũng được phát hiện nhiều ở trẻ sinh ra bình thường.
Ẩn tinh hoàn được chia làm hai loại:
– Ẩn tinh hoàn sờ thấy : sờ thấy được tinh hoàn ở bẹn
– Ẩn tinh hoàn không sờ thấy: không sờ thấy tinh hoàn ở bẹn mà tinh hoàn nằm tại lỗ bẹn sâu hay trong ổ bụng
- Nguy cơ của bệnh ẩn tinh hoàn ?
– Giảm khả năng sinh sản: tinh hoàn là nơi sinh ra và phát triển của tinh trùng, tinh hoàn cần mát hơn nhiệt độ cơ thể bình thường ( từ 2-3 độ ) để tạo ra tinh trùng.Bìu có nhiệt độ mát hơn cơ thể ( thấp hơn khoảng 5 độ ) vì thế nó là nới thích hợp chứa tinh hoàn. Khi tinh hoàn không nằm trong bìu thì khả năng sinh tinh trùng và phát triển của tinh trùng sẽ bị ảnh hường nhiều, đó là một nguyên nhân dẫn đến chứng vô sinh ở trẻ nam sau này, đặc biệt với những trường hợp ẩn tinh hoàn hai bên.
– Một tinh hoàn chưa xuống bìu có khả năng bị ung thư hóa cao hơn so với một tinh hoàn nằm trong bìu ở tuổi trưởng thành
– Tinh hoàn chưa xuống bìu có nhiều nguy cơ bị tổn thương (do những va chạm, đụng dập vào vùng bẹn hoặc khung chậu) và xoắn tinh hoàn hơn so với một tinh hoàn bình thường (Xoắn tinh hoàn là sự xoắn vặn của các mạch máu nuôi tinh hoàn, ống dẫn tinh hoặc các phần phụ xung quanh tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi dưỡng bị nghẹt và hoại tử)
– Bìu không đối xứng hoặc rỗng có thể khiến bé trai lo lắng và xấu hổ.
– Tinh hoàn không phát triển hoặc teo nhỏ dẫn tới tình trạng thiếu hụt nội tiết tố trẻ thường yếu đuối, ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ quan sinh dục, tâm sinh lý của trẻ
- Làm thế nào để phát hiện bệnh?
– Ẩn tinh hoàn có thể được phát hiện ngay khi sinh ở bé trai bởi các nữ hộ sinh hoặc các bác sĩ sản khoa
– Đa phần các trường hợp được phát hiện khi người nhà không sờ thấy tinh hoàn của trẻ nằm trong bìu ở một bên hoặc cả hai bên, Hoăc thấy hai bìu không cân xứng một hoặc cả hai hai bên bìu xẹp
- Làm gì để chẩn đoán bệnh?
– Trẻ cần được thăm khám lại bởi các bác sĩ Ngoại (tiết niệu nhi )
– Siêu âm là một thăm dò có giá trị để chẩn đoán đa số các trường hợp tinh hoàn ẩn: giúp xác định vị trí của tinh hoàn, kích thước tinh hoàn
– Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và nội soi ổ bụng chẩn đoán với những trường hợp không sờ thấy tinh hoàn trong ống bẹn hay siêu âm không thấy được tinh hoàn
– Một vài xét nghiện khác có thể được chỉ định: xét nghiệm nhiễm sắc thể với những trường hợp giới tính không xác định, các xét nghiệm nội tiết tố hoặc các chất chỉ điểm khối u là cần thiết trong một vài trường hợp
- Điều trị ẩn tinh hoàn như thế nào? Thời điểm nào trẻ cần được điều trị?
– Thông thường sau 3 tháng tuổi tinh hoàn có khả năng tự di chuyển xuống bìu là rất thấp vì vậy nếu sau 6 tháng tuổi nếu tinh hoàn không tự xuống bìu được thì cần phải được điều trị
– Việc điều trị thông thường sẽ là phẫu thuật nhằm đưa tinh hoàn xuống bìu và cố định tinh hoàn trong bìu.Phẫu thuật sẽ được tiến hành tương đối đơn giản với tỷ lệ thành công cao
– Việc phẫu thuật thông thường sẽ được thực hiện ở thời điểm lý tưởng nhất là 6 -12 tháng tuổi, phẫu thuật trong giai đoạn này sẽ mang lại hiêu quả tốt nhất giúp cải thiện chức năng của tinh hoàn,và giảm tỷ lệ ung thư hóa
– Việc điều trị bằng thuốc hoặc các liêu pháp hoormon thường không hữu ích
Phẫu thuật sẽ được thực hiện như thế nào?
Với những trường hợp tinh hoàn sờ thấy được ở bẹn việc phẫu thuật thường đơn giản với tỷ lện thành công khoảng 98%
- Trẻ sẽ được gây mê
- Một đường rạch nhỏ vùng bẹn sẽ được thực hiện ( hầu như sẽ khó có thể nhìn thấy sau này )
- Tinh hoàn được giả phóng khỏi các mô lân cận để dễ dàng đưa xuống bìu
- Sau đó tinh hoàn sẽ được đưa xuống và cố định trong bìu bằng một đường rạch thứ hai tại bìu
Đôi khi với những trường hợp tinh hoàn nằm quá cao việc phẫu thuật sẽ phức tạp hơn tinh hoàn có thể sẽ không được đưa xuống bìu ngày mà cần phải được mổ lần thứ 2 để đưa được tinh hoàn xuống bìu
Với những trường hợp không sờ thấy tinh hoàn và siêu âm không thấy tinh hoàn phẫu thuật nội soi vào ổ bụng để tìm tinh hoàn và đưa tinh hoàn xuống bìu là cần thiết. Việc nội soi vào ổ bụng có thể tìm được hoặc không tìm được tinh hoàn (do tinh hoàn đã bị teo đi sớm)
- Trẻ sẽ được chăm sóc và hồi phục thế nào sau phẫu thuật?
– Chăm sóc:
+ Trẻ sẽ được dùng thuốc giảm đau sau mổ trong vòng 24h-48h
+ Thay băng vết mổ sau 72h với những vết mổ khô, sạch, thay băng hàng ngày nếu vết mổ nề hoặc thấm dịch nhiều
+ Không cần cắt chỉ vết mổ nếu được khâu bằng chỉ tự tiêu hoặc cắt chỉ sau 7-10 ngày sau mổ nếu khâu bằng chỉ không tiêu
+ Trẻ không cần phải kiêng ăn uống hay vận động, tuy nhiên cần hạn chế những hoạt động mạnh trong những ngày đầu sau mổ do đau vết mổ và vết mổ chưa hoàn toàn lành hẳn
– Trẻ hồi phục thế nào sau mổ?
Trong ngày đầu hoặc vài giờ đầu sau mổ trẻ có thể cảm thấy không khỏe do tác dụng của thuốc gây mê hoặc do đau vết mổ, điều này hoàn toàn không đáng lo ngại. Hầu hết trẻ sẽ bình phục hoàn toàn sau mổ khoảng 1 tuần.
Những lời khuyên sau đây cho các bậc phụ huynh giúp con nhanh hồi phục và hạn chế các biến chứng có thê gặp sau phẫu thuật:
Vài ngày đầu sau mổ trẻ sẽ cảm thấy đau vết mổ, những hoạt động thu hút sự chú ý của trẻ giúp trẻ giảm sự tập trung vào sự đau đớn được khuyến khích như: các trò chơi, xem tivi và đọc sách
Nên cho trẻ mặc quần rộng rãi tránh cọ sát vào vết mổ gây đau đớn
Không nên cho trẻ đi xe đạp hoặc sử dụng các đồ chơi ngồi một vài tuần sau phẫu thuật. Điều này giúp giảm tỷ lện tinh hoàn di chuyển ngược lên vùng bẹn và ổ bụng
Trẻ nên được nghỉ ngơi tại nhà vài ngày sau ra viện trước khi quay lại trường học hoặc nhà gửi trẻ
- Các rủi ro có thể xảy ra với phẫu thuật này là gì?
Bất kỳ một phẫu thuật nào dù là đơn giản nhất cũng có những rủi ro có thể xảy ra. Với phẫu thuật này những rủi ro có thể gặp sẽ là :
– Chảy máu, sưng tấy, hoặc bầm tím vị trí vết mổ
– Nhiễm trùng vết mổ (thường gặp với những vết rạch ở bìu)
– Teo tinh hoàn do mạch máu tinh hoàn quá căng, bị đứt hoặc bị tổn thương trong quá trình mổ
– Có thể tổn thương ống dẫn tinh trong quá trình mổ
– Xoắn tinh hoàn do tinh hoàn bị xoay trong quá trình mổ
– Ẩn tinh hoàn tái phát do tinh hoàn không được cố định tốt tại bìu và chui ngược lên bẹn
Nói chung các rủi ro có tỷ lệ rất thấp, rủi ro hay gặp hơn cả là teo tinh hoàn thường ở những trẻ được phát hiện và phẫu thuật muộn (tuổi càng lớn tỷ lệ càng cao)
- Kết quả của phẫu thuật sẽ như thế nào?
Đa số tinh hoàn chưa xuống bìu sẽ có kích thước nhỏ hơn so với tinh hoàn bình thường nằm trong bìu
Với việc phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu hầu hết tinh hoàn sẽ phát triển về kích thước bình thường
Với những trường hợp ẩn tinh hoàn một bên hầu hết các bé sẽ có khả năng sinh sản và chức năng tinh hoàn bình thường ở tuổi trưởng thành sau khi được phẫu thuật. Những trường hợp bị cả hai bên có thể sẽ làm giảm khả năng sinh sản.
Trong một số trường hợp sau mổ tinh hoàn sẽ bị teo nhỏ hoặc biến mất hoặc không thể phát triển với kích thước bình thường như bên lành điều này thường do trẻ được phát hiện muộn tinh hoàn đã teo nhỏ hoặc do mạch nuôi tinh hoàn không phát triển hoặc quá căng. Ở một số trường hợp khác tinh hoàn có thể phát triển với kích thước hoàn toàn bình thường nhưng không có khẳ năng sinh tinh trùng
- Theo dõi và tái khám sau mổ
Trẻ sau phẫu thuật cần được khám định kỳ theo hẹn với các bác sĩ Ngoại hay tiết niệu nhi, thông thường lịch hẹn sẽ là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Khi khám lại trẻ sẽ được đánh giả vị trí và kích thước của tinh hoàn bằng việc thăm khám của bác sĩ và siểu âm
Trẻ cần được theo dõi tới khi trưởng thành để đánh giá chức năng sinh tinh và nội tiết của tinh hoàn và nhứng nguy cơ ác hóa có thể xảy ra. Khi trẻ đến tuổi thiếu niên trẻ nên được học cách tự khám tinh hoàn để phát hiện những bất thường
Nếu có vần đề bất thường cha mẹ nên cho trẻ khám lại ngay
- Điều tri bệnh ở đâu?
Hầu hết các bệnh viện có chuyên khoa Phẫu thuật Nhi đều có khả năng phẫu thuật những trường hợp ẩn tinh hoàn ở trẻ. Ở bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh việc phẫu thuật ẩn tinh hoàn là một phẫu thuật thường quy với các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm và thời gian phẫu thuật ngắn
Thông tin thêm:
Phân biệt tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lò xo (tinh hoàn co rút) và tinh hoàn lạc chỗ
Tinh hoàn lò xo hay tinh hoàn co rút: tinh hoàn có thể không nằm trong bìu trong một số thời gian, tinh hoàn bị tạm thời kéo ngược lên bẹn, đó là một phản xạ bảo vệ khi trẻ bị lạnh hoặc sợ hãi hay phấn kích,những lúc khác tinh hoàn này nằm trong bìu.
Đây là một tình trạng bình thường và không cần phải điều trị vì tinh hoàn này thường sẽ được cố định trong bìu khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên những trường hợp này sẽ cần được thăm khám bởi các bác si chuyên về phẫu thuật nhi hoặc tiết niệu nhi và cần theo dõi trong suốt thời kỳ thơ ấu vì đôi khi chúng không xuống bìu một cách tự nhiên và cần được điều trị.
Tinh hoàn lặc chỗ :
Tinh hoàn ẩn và tinh hoàn lạc chỗ là hai thuật ngữ thường dễ bị nhầm lẫn với nhau:
- Tinh hoàn ẩn: tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm dọc theo đường đi của tinh hoàn (trong bụng, lỗ bẹn sâu, ống bẹn, lỗ bẹn nông).
- Tinh hoàn lạc chỗ: sau khi ra khỏi lỗ bẹn nông, tinh hoàn đi lạc tới một vị trí khác mà không đến bìu (tầng sinh môn, dây chằng bẹn, cân đùi). 80% các trường hợp xảy ra ở một bên tinh hoàn, kích thước và chức năng thường bình thường.
Tinh hoàn ẩn có phải chỉ thấy ở trẻ em không?
Không. Khoảng 1/5 trường hợp tinh hoàn ẩn được tìm thấy ở trẻ đã trưởng thành. Tinh hoàn của những cậu bé này dường như đã sa xuống bình thường khi còn bé. Khi một tinh hoàn ẩn được phát hiện muộn hơn thì nó được gọi là “tinh hoàn đi lên”. Điều này xảy ra là do tinh hoàn không tự “cố định” trong bìu, và được nhận thấy khi trẻ lớn lên. Thường thì những cậu bé này được biết là có tinh hoàn co rút trước khi chúng được chẩn đoán là có tinh hoàn ẩn. Những tinh hoàn này cần phẫu thuật để di chuyển chúng vào bìu. Vì những lý do này, các em nam nên kiểm tra bộ phận sinh dục của mình thường xuyên đễ có thể tự phát hiện các vấn đề bất thường.
BS. Nguyễn Văn Tuyến – Khoa Ngoại Nhi