Có những đêm trực khiến ta già đi cả chục tuổi!
Con là bé gái 27-28 tuần tuổi với cân nặng lúc sinh 900gram, sinh ra tại Trung tâm y tế Huyện, con mất gần 2 tiếng thở oxy mới đến được Khoa sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, vì vậy mà phổi càng xấu đi hơn nhiều so với việc được sinh ngay tại đây, phim phổi trắng xóa, cả người toàn vết bầm tím do cuộc đẻ và rối loạn đông máu, con được bơm curosurf, truyền huyết tương, giải thích gia đình nguy cơ xuất huyết, phổi tử vong cao.
23 giờ đêm! máy theo dõi bắt đầu kêu lên những tiếng báo động chói tai, SPO2 của con cứ giảm xuống liên tục, người con tím dần, máu tươi bắt đầu trào qua NKQ như ai đó đang cố tình mở vòi nước, tháo chỗ nối giữa NKQ và máy thở máu phụt lên bắn vào thành lồng ấp và mặt chúng tôi, mọi thứ chỉ diễn ra trong vòng 30 giây chỉ kịp cho chúng tôi chớp mắt vài cái. Con thì như tắc kè nhỏ đổi màu trong tích tắc, từ hồng chuyển tím, rồi tái và cuối cùng là trắng bợt vì bị rút hết máu, con nặng 900g thì cả người có bao nhiêu máu chứ, máu cứ chảy không ngừng, nếu không làm gì chỉ 1-2 phút nữa thôi con sẽ chết.
Chúng tôi không kịp nghĩ gì, bắt đầu lao vào cấp cứu như 1 phản xạ tự nhiên, phối hợp nhịp nhàng cùng nhau, không khí trở nên ngột ngạt, vội vã, đầu chúng tôi căng ra chạy đua cùng tử thần, cùng thời gian. Mỗi giây lúc này với chúng tôi và con đều vô cùng quý giá, chỉ 1 sai lầm nhỏ, 1 sự do dự thoáng chốc cũng có thể khiến con tử vong. Nhỏ adrenalin, ép tim bóp bóng, an thần, vận mạch, bơm curosurf, bù toan kiềm, điện giải, vitamin k… Chúng tôi làm hết những gì mình có thể. May thay! Cuối cùng chúng tôi đã thắng, máu được cầm, SPO2 của con cũng lên dần.
Tôi quay người đi để duyệt truyền máu, huyết tương, cũng như thông báo cho gia đình, nhưng chỉ vừa kịp ra đến cửa, tháo cái nút thắt của chiếc áo phẫu thuật đang mặc trên người thì lại nghe thấy tiếng gọi thất thanh: “Doan ơi! Máu lại trào lên rồi” chúng tôi còn chưa kịp thở thì lại phải lao vào cuộc chiến tiếp theo, lần này tử thần vẫn không thể mang con đi, lại 1 lần nữa chúng tôi thắng, cấp cứu thành công máu được cầm, tôi chuyển con sang thở HFO để giảm chấn thương phổi đến mức tối thiểu, may sao con đáp ứng tốt, SPO2 dần ổn định, cả người cũng bắt đầu có chút sức sống trở lại.
Lần này tôi mới có thời gian thông báo với gia đình, theo luật mà nói, chúng tôi không được phép can thiệp bất cứ thủ thuật hay thuốc men gì lên người bệnh khi không được sự đồng ý của gia đình. Nhưng lúc đó chúng tôi không nghĩ được nhiều thế, chỉ biết rằng nếu cứ dây dưa theo đúng quy định thì con sẽ chết và lương tâm chúng tôi cũng chết theo.
30 phút sau! Bố con có mặt, là 1 người đàn ông đã ngoài 30 tuổi, dáng người cao lớn ăn mặc xuề xòa, sau khi nghe tôi giải thích người bố mắt đỏ hoe tâm sự:
“vợ chồng tôi đã ngoài 30 nhưng hiếm hoi, chúng tôi dốc hết tài sản làm IVF mới có được đứa trẻ này, gia đình tôi hy vọng rất nhiều, tôi vẫn chưa dám nói với mẹ con bé, mẹ nó vừa đẻ xong sợ là không chịu nổi, chỉ mong bác sỹ còn nước còn tát cố gắng cứu lấy cháu”
Tôi chẳng dám nói gì thêm vì chỉ càng cứa sâu vào nỗi đau của 1 người bố đang mong mỏi có 1 mụn con, cũng không dám hứa hẹn gì chỉ sợ khiến người bố ấy thất vọng. Người bố xin tôi cho vào gặp con 1 lúc, tôi cứ trăn trở mãi: Nếu hôm nay con cứ thế chết đi như vậy, thì tôi chính là người tước đi cơ hội gặp nhau lần cuối của bố con họ, có lẽ tôi sẽ sống day dứt cả đời, nhưng quy định không cho phép và nghĩ đến cảnh người bố nhìn thấy đứa con cả người bầm tím, nhợt nhạt, không chút phản xạ, máy móc dây truyền bao quanh thì xót xa biết bao nhiêu, nên tôi đã từ chối.
Đêm hôm ấy, ngoài hành lang lạnh lẽo là bóng lưng thẫn thờ và những giọt nước mắt nóng hổi dù cố kìm nén nhưng vẫn lăn dài trên má của người bố ngồi đợi từng chút tin tức về con, còn bên trong khu cách ly là những đôi mắt không ngủ, không dám lơ là con 1 giây, động viên con cố gắng vượt qua, may sao con cứ thế ngủ ngoan đến sáng, không diễn biến gì thêm nữa.
Vài hôm sau toàn trạng con khá hơn, cai được HFO chuyển máy thở thường, nhưng khảo sát não: Theo dõi xuất huyết não độ IV, như sét đánh ngang tai, lại 1 lần nữa tôi trăn trở, cả quá trình cấp cứu hôm đó tôi luôn theo dõi khí máu, cũng luôn cố gắng giữ PCO2 khí máu ở trong giới hạn chấp nhận được, sao lại xuất huyết nhiều đến vậy, day dứt áy náy bất lực bắt đầu bủa vây khiến tôi khó thở, vì chúng tôi biết cứu sống 1 mạng người là chuyện cực kì tốt đẹp, nhưng có thể cứu sống 1 mạng người hoàn chỉnh mới là điều quan trọng nhất. Rồi hội chẩn lại nhiều lần kết luận con bị xuất huyết não vùng mầm nhưng do kích thước lớn nên có xu hướng lan tới nhu mô, lúc này tôi mới có thể thở nhẹ nhàng hơn, chị em chúng tôi lại bảo nhau 1 lần nữa cố gắng điều trị để cứu lấy bộ não cho con, rồi những đợt nhiễm khuẩn nặng, tràn dịch màng ngoài tim, điều trị đóng ống động mạch, điều trị bệnh phổi mạn, con và chúng tôi đều vượt qua được.
Cuối cùng sau hơn 1 tháng điều trị với bao hy vọng cố gắng con đã được ra ngoài ghép mẹ, nhanh nhẹn và xinh đẹp, con đã khoác lên mình 1 tấm áo mới hồng hào có da, có thịt, nặng 1.7kg, không còn như con chuột nhỏ nhăn nheo bầm tím toàn thân như ngày đầu đến với chúng tôi nữa.
Chiến sỹ nhỏ Bảo Hân
Người ta nói hạnh phúc thì sẽ cười, còn hạnh phúc thật sự thì sẽ khóc, bố mẹ con đã nói trong nước mắt rằng: “Các cô chính là những người mẹ thứ 2 của con, còn đây chính là nơi con được sinh ra lần thứ 2”
Thật lòng mà nói người cần được cảm ơn chính là những cô nhóc, cậu nhóc đang nằm trong lồng kính kia:
- Cảm ơn vì các con tuy nhỏ bé nhưng nghị lực sống không nhỏ bé chút nào.
- Cảm ơn các con vì đã luôn mạnh mẽ chiến đấu cùng các bác sĩ, điều dưỡng.
- Cảm ơn vì các con đã xuất hiện giúp các cô thấy cái nghề mà mình hy sinh cả tuổi thanh xuân để lựa chọn và theo đuổi cao quý đến nhường nào.
- Cảm ơn vì đã cho các cô thấy điều kì diệu nhất của cuộc sống chính là sức khỏe và mạng sống, khiến các cô càng thêm yêu và tâm huyết với nghề hơn.
- Cuối cùng cảm ơn các con vì đã sống khỏe mạnh.
Những thiên thần nhỏ của chúng ta
Cho dù người đời vẫn luôn mắng nhiếc rằng chúng tôi vô cảm, không có lương tâm, chỉ biết đến tiền. Nhưng chúng tôi không thẹn với lòng, bởi vì họ chỉ quan tâm việc chúng tôi mắc lỗi để bới móc, mắng chửi.
Họ chỉ nhìn những thứ họ muốn nhìn, nghe những thứ họ muốn nghe và tin vào những thứ họ muốn tin.
Họ không nhìn thấy chúng tôi rơi nước mắt nên họ cho rằng chúng tôi vô cảm, vì đứng giữa phòng cấp cứu nước mắt là thứ vô dụng. Chúng tôi phải cố nén xúc của mình xuống, giữ cho cái đầu tỉnh táo, để đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác. Tin tôi đi: Chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng người bệnh và đau chung nỗi đau của họ, chẳng ai mong muốn những điều đau khổ vậy nên chúng tôi vẫn luôn cố gắng để chúng ta cùng hạnh phúc.
Vì chẳng ai biết cảm giác bất lực áy náy day dứt đến mức khó thở khi bệnh nhân của mình không qua khỏi, và cảm giác khi có thể chia tay những đứa trẻ khỏe mạnh ra viện theo bố mẹ về ngôi nhà thật sự của mình, chúng tôi hạnh phúc đến nhường nào đâu.
Ngày hôm nay cô bé xuất huyết phổi 900g ngày nào của chúng tôi giờ đã được 2,5kg, xinh đẹp nhanh nhẹn và bú tốt, hai má phúng phính hồng hây hây, nằm ngủ ngon lành, không biết con đang mơ gì mà thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười, có lẽ con biết hôm nay mình được xuất viện tương lai ngoài kia đang vẫy chào với con, con tạm biệt, rời khỏi vòng tay của chúng tôi để về với gia đình của mình. Giây phút ấy chúng tôi luôn tự nhủ trong lòng rằng: “Các cô chỉ có thể đi cùng các con đến đây được thôi, cuộc sống sau này tươi đẹp hay giông bão các con đều phải dựa vào chính mình để vẽ nên. Hãy sống thật mạnh khỏe an nhiên nhé!
Có thể những kỉ niệm nơi đây sẽ không bao giờ có trong kí ức của các con, nhưng với các cô thì nó vẫn luôn hiện hữu, các cô sẽ luôn ở đây dõi theo và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các con.
“Hành trình lớn bắt đầu từ đôi bàn chân nhỏ”
Hãy bước đi thật vững vàng các con nhé!
Bs: Nguyễn Thị Doan – Khoa sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh