Theo Bộ Y tế, dịch bệnh Tay Chân Miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới đây… Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, chỉ tính từ đầu tháng 5/2022 đến nay, có rất nhiều trẻ đến khám và được chẩn đoán là Tay Chân Miệng, trong đó có gần 150 trẻ cần nhập viện điều trị và theo dõi dấu hiệu chuyển độ.
Số trẻ đến khám do bệnh dịch mùa hè gia tăng
Bác sĩ khám cho các trẻ bị tay chân miệng tại Khoa Bệnh nhiệt đới tiêu hóa Nhi
- Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh Tay – chân – miệng là một bệnh lây do một nhóm virus đường ruột gây ra. Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và có thể gây tử vong nhanh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân, dịch bóng nước của trẻ bệnh hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng sử dụng chung với trẻ bị bệnh.
- Độ tuổi bị tay chân miệng là bao nhiêu?
Tất cả những người chưa từng mắc bệnh tay chân miệng đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên không phải ai bị nhiễm bệnh cũng biểu hiện triệu chứng.
Độ tuổi bị tay chân miệng chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi. Lưu ý, các trẻ càng nhỏ thì biến chứng càng dễ diễn biến nặng.
Đối tượng mắc bệnh tay chân miệng thường là trẻ em vì cơ thể trẻ có ít kháng thể hơn so với người lớn và khả năng miễn dịch cũng kém hơn khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Hầu hết người lớn đã được miễn dịch, song vẫn có trường hợp mắc bệnh ở đối tượng thanh thiếu niên và người lớn.
- Tay – chân – miệng có thể có những triệu chứng và biến chứng gì?
– Độ 1: Bệnh tay chân miệng trẻ em chỉ gây loét miệng và/hoặc tổn thương da.
Bệnh tay chân miệng thể nhẹ.
– Độ 2: Bệnh tay chân miệng bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Độ 2 được phân chia thành 2 phân độ nhỏ:
+ Độ 2a – Trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
+ Độ 2b: Trẻ có dấu hiệu được phân ra nhóm 1 hoặc nhóm 2:
Nhóm 1: trẻ giật mình ghi nhận lúc khám hoặc bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần/30 phút hoặc bệnh sử có giật mình (ít < 2 lần/30 phút) kèm theo 1 dấu hiệu sau:
Ngủ gà
Nhịp tim nhanh > 150 lần/phút (tính khi trẻ nằm yên, không sốt)
Trẻ sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt
Nhóm 2: trẻ có một trong các biểu hiện sau:
Triệu chứng thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Có rung giật nhãn cầu, lác mắt.
Yếu chi (tay, chân) hoặc liệt chi.
Liệt thần kinh sọ: biểu hiện nuốt sặc, thay đổi giọng nói…
Sốt rét
Trẻ có thẻ bị sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt
– Độ 3: Bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng
Mạch nhanh: > 170 lần/phút (khi khi trẻ nằm yên, không sốt). Một số trường hợp bệnh tay chân miệng trẻ có thể mạch chậm (đây là dấu hiệu rất nặng).
Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú.
Huyết áp tăng.
Nhịp thở nhanh, thở bất thường: có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản.
Rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm).
Tăng trương lực cơ.
– Độ 4: bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc
Trẻ có biểu hiện sốc (mạch = 0, huyết áp = 0…)
Phù phổi cấp, tím tái, SpO2 < 92%.
Ngưng thở, thở nấc.
Trẻ mắc Tay – chân- miệng độ 1 có thể theo dõi tại nhà, từ độ 2a trở lên có chỉ định nhập viện điều trị.
- Làm gì khi phát hiện trẻ bị bệnh Tay – chân – miệng?
Phụ huynh, người chăm sóc trẻ nên nghĩ ngay đến Bệnh Tay – chân – miệng và đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện trẻ có dấu hiệu:
– Sốt
– Đau miệng, chảy nhiều nước miếng, bỏ ăn.
– Nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối.
Số lượng bệnh nhi Tay Chân Miệng nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh ngày càng cao
Phụ huynh, người chăm sóc trẻ phải cho trẻ ở nhà, không đưa trẻ đi học hay đến những chỗ đông trẻ em khi trẻ có dấu hiệu bệnh như đã nêu.
Phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần sớm phát hiện trẻ sốt, cách ly, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh.
- Làm gì khi trẻ có những dấu hiệu trở bệnh nặng?
Phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần theo dõi diễn biến bệnh của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng sau:
– Sốt cao 39o C hoặc sốt liên tục trên 2 ngày
– Quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì
– Giật mình, hốt hoảng, chới với
– Đi đứng loạng choạng hoặc run giật, yếu tay chân
– Khó thở, thở nhanh hay thở không đều
– Nôn ói nhiều
– Da nổi vân tím
– Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế hoặc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh khi phát hiện một trong những dấu hiệu trên để điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng hay tử vong.
- Phòng chống Bệnh Tay – chân – miệng như thế nào?
– Vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng: Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước;
– Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,…) với nước (và xà phòng nếu có thể), sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa; Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường chung. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.
– Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng;
– Cách ly trẻ mắc bệnh: Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã lui hẳn, tốt nhất 10-14 ngày đầu của bệnh.
– Vệ sinh ho: Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng.
Khi trẻ nghi bị mắc bệnh tay chân miệng cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định đồng thời theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.
Nguyễn Thị Ngọc – Bệnh nhiệt đới tiêu hóa Nhi