Thiếu máu thiếu sắt là một bệnh rất phổ biến tác động đến hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi bệnh thiếu máu do thiếu sắt hơn so với bất kỳ sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nào. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác, như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.
Thiếu máu thiếu sắt để lại nhiều hậu quả gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ cũng như đời sống sinh hoạt của con người như: làm giảm khả năng lao động và hiệu quả công việc; giảm khả năng tập trung, khả năng học tập; ảnh hưởng tới thai sản: đẻ non, trẻ đẻ thấp cân, bà mẹ dễ chảy máu ở thời kỳ hậu sản.
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt nhưng nguyên nhân thường gặp và phổ biến nhất là do chế độ ăn uống không đáp ứng đủ nhu cầu sắt cho cơ thể:
- Do khẩu phần ăn không cung cấp đủ chất sắt: Có 2 nguồn sắt chính từ thực phẩm là sắt hem và sắt không hem. Sắt hem thường có mặt trong thịt, cá, thịt gia cầm cũng như trong tiết. Sắt hem có thể dễ dàng được hấp thu ở ruột, trong khi đó, sắt không hem phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở hấp thu sắt. Vitamin C, protein động vật và các acid hữu cơ trong hoa quả và rau có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu chất sắt không hem. Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, như phytate ở trong gạo và các loại ngũ cốc, như tanin trong một số loại rau, trà và cà phê.
- Do nhu cầu sắt: nhu cầu sắt khác nhau theo từng lứa tuổi và phụ thuộc vào giá trị sinh học của sắt trong khẩu phần ăn.
- Trẻ em là lứa tuổi đang lớn nhanh nên có nhu cầu sắt cao. Một đứa trẻ sinh đủ tháng có dự trữ sắt tốt, nhu cầu sắt sẽ được đáp ứng cho tới 6 tháng tuổi. Cơ thể trẻ sơ sinh sẽ sử dụng lượng sắt từ từ trong 6 tháng đầu tiên. Sau khoảng thời gian này, bắt đầu có sự thiếu hụt sắt, cần được bù đắp từ các thức ăn bổ sung do đó cần cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) đúng cách khi trẻ tròn 6 tháng tuổi.
- Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) sắt rất cần thiết do cơ thể bị mất sắt theo kinh nguyệt hàng tháng và phụ nữ cho con bú, bị mất sắt theo đường tiết sữa để nuôi con.
- Đối với phụ nữ có thai, sắt cần cho sự phát triển của thai, rau thai và tăng khối lượng máu của mẹ.
- Do mất máu khi nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là giun móc vì nó gây mất máu đường tiêu hóa và gây thiếu sắt.
- Do mắc các bệnh về máu khác.
Biện pháp phòng chống thiếu máu thiếu sắt:
- Bổ sung viên sắt cho các đối tượng có nguy cơ cao như
+ Bà mẹ mang thai và cho con bú: 60mg sắt nguyên tố/lần/ngày, uống hàng ngày từ khi mang thai đến sau đẻ 1 tháng;
+ Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: 60mg sắt nguyên tố/lần/tuần;
+ Bổ sung sắt cho trẻ nhất là trẻ đẻ non, đẻ thấp cân: 20mg/ngày, uống hàng ngày hoặc theo đợt từ 2-3 tháng.
- Cải thiện chế độ ăn: đa dạng chế độ ăn là biện pháp bền vững nhất để cải thiện tình trạng thiếu vi chất
+ Cần cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt cho người mẹ, hướng dẫn lựa chọn các thực phẩm giàu sắt, hạn chế sử dụng các thực phẩm hay đồ uống chứa chất ức chế hấp thu sắt như nước chè đặc, cà phê… Khuyến khích cách chế biến hạt nẩy mầm, lên men như làm giá đỗ, dưa chua để tăng lượng vitamin C và giảm acid phytic trong thực phẩm. Phát triển chăn nuôi gia đình, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC) để tạo nguồn thức ăn thường xuyên trong gia đình.
+ Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng và cho ăn bổ sung hợp lý. Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt như tim, gan (bò, lợn, gà), tôm, cua, lòng đot trứng gà, vịt,….
- Phòng chống nhiễm giun, sán và vệ sinh môi trường sống: tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần đối với người lớn và trẻ em trên 2 tuổi; giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh ăn uống,…
- Tăng cường sắt vào thực phẩm: tăng cường sử dụng các loại chế phẩm được bổ sung sắt như nước mắm tăng cường sắt, bánh bích quy tăng cường sắt,…
Tô Thảo – Phòng Điều dưỡng