Táo bón không phải là bệnh mà là một triệu chứng thường hay gặp ở trẻ em với biểu hiện dễ nhận thấy thông qua việc giảm số lần đại tiện bình thường, khó và đau khi đại tiện do phân rắn hoặc quá to.
Trẻ được coi là bị táo bón nếu đại tiện dưới 2 lần/ngày đối với trẻ sơ sinh, dưới 3 lần/tuần (trên 2 ngày/lần) với trẻ đang bú mẹ, dưới 2 lần/tuần (trên 3 ngày/lần) với trẻ lớn và kèm theo các biểu hiện như rặn khó, đau hậu môn, trẻ quấy khóc khi đi tiêu, phân rắn, nhỏ và khô cứng. Táo bón có thể cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài vài tuần, vài tháng, tái phát nhiều đợt.
Táo bón nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như trẻ biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, chướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ. Những chất độc trong phân cần được thải ra ngoài hàng ngày bị tích lại trong ruột có thể bị hấp thu trở lại trong máu gây hại cho sức khoẻ của trẻ. Trẻ có thể bị sa trực tràng do rặn và ngồi chờ lâu, chảy máu trực tràng do phân quá rắn.
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón ở trẻ như: trẻ mắc một số bệnh lý gây táo bón; táo bón do phản xạ ức chế (nhịn đi ngoài do sợ bẩn hoặc đau, trẻ mải chơi nên nhịn đi ngoài, trẻ dùng thuốc nhuận tràng quá nhiều); táo bón do chế độ ăn uống chưa hợp lý. Khi trẻ bị táo bón, tuỳ theo nguyên nhân mà có cách xử trí thích hợp và cần có kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng khoa học để cải thiện tình trạng của trẻ hiệu quả hơn vì một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát tình trạng táo bón của trẻ.
Vậy cần cho trẻ táo bón ăn gì, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón như thế nào để con luôn khỏe mạnh? Dưới đây là cách chăm sóc trẻ khi bị táo bón để các bà mẹ có thêm nguồn tài liệu tham khảo, có thể chủ động và vận dụng được hiệu quả hơn:
Chế độ ăn uống:
- Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn có biểu hiện táo bón: cần đánh giá xem trẻ có được bú đủ chưa, cách mẹ cho con bú đúng chưa, trẻ có được bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối hay không và điều chỉnh chế độ ăn của người mẹ hạn chế tối đa những đồ ăn cay nóng, các chất kích thích, nên tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh và củ quả tươi.
- Nếu trẻ được nuôi bằng sữa công thức, phải pha sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cha mẹ cần xem xét và có thể thay đổi loại sữa phù hợp hơn cho bé.
- Đối với trẻ đã ăn dặm, cho trẻ ăn uống đầy đủ, hợp lý cân đối theo ô vuông thức ăn. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín: chọn các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, khoai lang củ,… cho trẻ ăn cả cái không được chỉ lấy nước rau cho trẻ. Cho trẻ ăn các loại quả: bưởi, cam, quýt (tốt hơn nếu ăn cả múi), thanh long, chuối tiêu, đu đủ… Khi trẻ đã bị táo bón không nên cho trẻ ăn các loại quả có vị chát (ổi, sim, hồng xiêm, sung, táo,…), nước ngọt có ga, cà phê, chocola,…
- Trường hợp trẻ khó hoặc không chịu ăn rau quả, cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ các chất xơ hòa tan được chiết xuất từ rau củ, dùng thuốc nhuận tràng theo ý lệnh của bác sỹ (nếu có) không được tự ý lạm dụng thuốc nhuận tràng khi không có sự tư vấn từ bác sĩ.
- Cho trẻ uống đủ nước 50-100ml/kg cân nặng của trẻ, tuy nhiên cần lưu ý với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống thêm nước. Nếu trẻ bị sốt hoặc tiêu chảy lượng nước bổ sung sẽ gia tăng tùy theo tình trạng bệnh của trẻ.
Cách chăm sóc
- Khuyến khích trẻ vận động hàng ngày;
- Luyện tập thói quen đi tiêu đều đặn cho trẻ;
- Để trẻ tập trung khi đi tiêu: không cho trẻ đọc hoặc xem tranh ảnh, sách báo, xem ti vi, điện thoại,…
- Xoa bụng kích thích nhu động ruột: xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa để kích thích làm tăng nhu động ruột;
- Không nên tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo tràng thường xuyên, cần có sự chỉ định của cán bộ y tế.
Tô Thảo – Phòng Điều dưỡng