1.Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Điều này không có nghĩa là người từng bị sốt xuất huyết có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại. Vì vậy, một người có thể sẽ bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần. Vi rút Dengue lây lan qua người chủ yếu do muỗi cái thuộc giống Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi triệu chứng thường xuyên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời người bệnh có thể trở nặng thậm chí tử vong.Những yếu tố được xem là tăng nguy cơ Sốt xuất huyết gồm:
– Đi du lịch hoặc sinh sống ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới.
– Từng nhiễm Sốt xuất huyết trước đây.
– Trẻ em dưới 12 tuổi.
2. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có dấu hiệu sốt cao từ ngày thứ 3. Nhiều cha mẹ nhầm với bệnh cảm cúm hay bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, có thể gây ra các biến chứng nặng.
Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn khôi phục.
Sốt xuất huyết ở trẻ cũng giống như các bệnh do virus thông thường, tuy nhiên biểu hiện có thể đặc biệt hơn một chút. Đầu tiên trẻ có thể đau đầu, đau mỏi người, tiếp đến là sốt và do có xung huyết, phát ban, chảy máu cam và đi ngoài có phân đen. Tuy theo từng giai đoạn bệnh các triệu chứng sẽ khác nhau.
- Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn đầu, thường khó phân biệt với các bệnh sốt do virus thông thường. Bé có biểu hiện sốt cao ngột ngộ từ 39-40 độ và liên tục trong 1-2 ngày đầu sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2 – giai đoạn nguy hiểm.
- Giai đoạn nguy hiểm: Sau giai đoạn đầu trẻ tiến vào giai đoạn 2 là giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn này thường rơi vào khoảng từ ngày 3 đến ngày 7 kể từ khi sốt. Lúc này bé có thể có các triệu chứng nặng như bứt rứt, khó chịu và quấy khóc. Với những trẻ lớn hơn, có thể bé thường than đau đầu, không muốn ăn và buồn nôn. Khi bố mẹ quan sát ở trên da có biểu hiện sung huyết, 2 mắt đau nhức và có thể chảy máu chân răng hoặc máu cam, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái ra máu,…). Sau đó bệnh chuyển qua giai đoạn 3 – giai đoạn phục hồi.
- Giai đoạn phục hồi: Ở giai đoạn này trẻ bắt đầu hết sốt và sức khỏe tốt dần lên, trẻ dần có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định, trẻ đi tiểu nhiều hơn và các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên khôi phục về tình trạng bình thường. Tuy vậy, ở những trẻ nặng, từ giai đoạn này có thể xuất hiện một số biến chứng diễn tiến rất khó lường.
- Những biến chứng do Sốt xuất huyết gây ra
Khi không được điều trị kịp thời Sốt xuất huyết có thể biến chứng vô cùng nguy hiểm:
3.1. Suy thận, suy tim
Suy tim là tình trạng xảy ra do xuất huyết liên tục trong cơ thể khiến cho hệ thống tuần hoàn bị rối loạn hệ thống tuần hoàn. Hệ lụy sinh ra từ đó là tim không đủ sức bơm máu nên liên tục xuất hiện dịch huyết tương khiến màng tim bị tràn dịch, ứ đọng, gây suy giảm, xuất huyết cơ tim. Suy thận là hệ quả của việc thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu.
3.2. Sốc
Virus Sốt xuất huyết làm tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu. Khi tình trạng này đạt đến một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài với các triệu chứng: chảy máu cam, chảy máu lợi,… Nguy hiểm nhất của tình trạng này chính là xuất huyết nội tạng với hiện tượng rong kinh, tiểu ra máu, nôn ra máu, ho ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường,…
3.3. Xuất huyết não
Khi Sốt xuất huyết nặng sẽ khiến tiểu cầu giảm, nếu không được truyền kịp thời có thể xuất huyết não gây tử vong.
3.4. Tràn dịch màng phổi
Huyết tương trong cơ thể bị tràn vào đường hô hấp gây tràn dịch màng phổi, viêm đường hô hấp, viêm phổi, phù phổi,… Khi không được cấp cứu, người bệnh sẽ bị đe dọa tính mạng
Biến chứng nguy hiểm của Sốt xuất huyết
– Hôn mê
Hôn mê là hệ lụy của dịch huyết tương ứ đọng trong màng não, xâm lấn qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh. Đây cũng chính là biến chứng nặng nhất của Sốt xuất huyết. Ngoài ra người bệnh cũng có thể bị suy tim thận cấp, xuất huyết nội tạng,…
– Sinh non hoặc sảy thai với phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai bị Sốt xuất huyết dễ phải đối mặt với nguy cơ sinh non hoặc sảy thai, thai lưu. Ngoài ra thai phụ còn có thể bị tiền sản giật, chức năng gan thận bị tổn thương nên gặp tình trạng chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.
4. Chẩn đoán Sốt xuất huyết
Khi người bệnh bị nhiễm vi rút Dengue sẽ ủ bệnh từ 3 – 7 ngày, có khi đến 14 ngày, trong thời gian này người bệnh vẫn khỏe mạnh và không có triệu chứng gì. Cách nhận biết sốt xuất huyết phải chờ tới giai đoạn đầu của bệnh (giai đoạn sốt) người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt xuất huyết điển hình như: Sốt cao, xuất hiện xuất huyết dưới da (nổi các ban đỏ hoặc các vết xuất huyết lớn dưới da), chảy máu chân răng, chảy máu cam, nhức hai hốc mắt, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn
Về xét nghiệm, hiện nay có 3 xét nghiệm phổ biến được dùng để chẩn đoán bệnh lý này gồm:
– Xét nghiệm NS1: thực hiện từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh nhằm tìm kháng nguyên của virus.
– Xét nghiệm kháng thể IgM: thực hiện từ ngày thứ 6 trở đi nhằm xác định kháng thể chống lại virus trong giai đoạn cấp tính.
– Xét nghiệm kháng thể IgG: mục đích nhằm xác định kháng thể bảo vệ lâu dài của cơ thể.
Về cơ bản, chỉ thông qua các triệu chứng bên ngoài thì hầu hết mọi người khó nhận diện chính xác Sốt xuất huyết. Vì thế, cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh là thực hiện xét nghiệm máu.
5. Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng là chủ động kiểm soát các loại côn trùng trung gian truyền bệnh, như diệt bọ gậy (lăng quăng), tiêu diệt muỗi trưởng thành, tránh để muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các ổ chứa nước lắng đọng. Hãy thực hiện những điều sau đây để bảo vệ sức khỏe của bé yêu, phòng chống căn bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm.
Cha mẹ có thể loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
Đậy kín các dụng cụ có chứa nước, để muỗi không thể vào đẻ trứng;
Thả cá vào các dụng cụ đựng nước dung tích lớn (bể, giếng, chum, vại…) để cá ăn hết lăng quăng/bọ gậy nếu có. Các loại cá nên lựa chọn là cá bảy màu, cá sóc, cá rô phi, cá chép, cá lê Argentina,…
Vệ sinh tất cả các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần;
Thu gom, vứt bỏ các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà, chẳng hạn như chai, lọ, mảnh vỡ vỏ chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ quả dừa, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre,…
Vệ sinh môi trường sinh sống, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến;
Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng muỗi đốt bằng các cách như: Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, ngủ trong mùng kể cả ban ngày. Xua đuổi muỗi vào nhà bằng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua đuổi muỗi, bắt muỗi bằng vợt điện muỗi,… Sử dụng rèm che cửa có tẩm hóa chất diệt muỗi. Phối hợp với chính quyền để phun đủ các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
- Phòng lây lan dịch từ người bệnh: Không để người bệnh sốt xuất huyết bị muỗi cắn bằng cách cho người bệnh ngủ trong màn.
Bác sĩ Đắc Thành – Khoa Khám bệnh – Cấp cứu ban đầu