Thực hiện các biện pháp tránh thai không chỉ giúp chị em phụ nữ bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mà còn góp phần thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), duy trì mức sinh thay thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn; 56 triệu ca phá thai mỗi năm, trong đó, có tới 25 triệu ca phá thai không an toàn. Cụ thể, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn; 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn mỗi năm. Chi phí điều trị hàng năm do phá thai không an toàn được ước tính là 553 triệu đô la Mỹ.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra biến động Dân số -KHHGĐ thời điểm 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ độ tuổi 15 – 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, cứ 1.000 phụ nữ có thai thì có 24 trường hợp ở tuổi vị thành niên; trong 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên.
Hiện nay, tình trạng phá thai trong giới trẻ càng đáng báo động hơn. Cùng với việc chấp nhận sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê năm 2017, tỷ lệ phá thai ở vị thành niên chiếm tới 1,5% tổng số ca phá thai.
Áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là bảo vệ sức khỏe cho chính chị em phụ nữ.
Về hệ lụy của nạo phá thai, việc phá thai nhiều lần hoặc tự sử dụng thuốc phá thai đang tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe và tương lai của giới trẻ. Các tai biến có thể gặp phải rất nặng nề bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, thủng tử cung… Đặc biệt, ngay cả với trường hợp phá thai an toàn, nguy cơ vô sinh thứ phát cũng rất cao.
Mặt khác, việc nạo phá thai còn gây những hậu quả rất nặng nề về tâm lý, gây tổn thương rất lớn đối với người phụ nữ. Nhiều người có mặc cảm về hành vi tự loại bỏ con mình. Những ám ảnh tội lỗi gây nên sự sợ hãi, hoang mang thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Hiện nay, các biện pháp tránh thai truyền thống như xuất tinh ngoài âm đạo, tính vòng kinh vẫn được nhiều người áp dụng vì đơn giản, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, hệ lụy là dễ có thai ngoài ý muốn dẫn đến phá thai. Vì vậy, các bạn trẻ nên chủ động và cân nhắc về quan hệ tình dục và hệ lụy của nó, trong đó, người thiệt thòi nhất chính là các bạn gái.
Để giảm thiểu tình trạng nạo phá thai, nhất là ở giới trẻ, theo các chuyên gia, chúng ta cần phối hợp với các ban ngành, tổ chức giao lưu chia sẻ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn tiền hôn nhân. Nội dung xoay quanh tình bạn, tình yêu, những băn khoăn trong cuộc sống hay những địa chỉ tin cậy đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các bạn. Khi được hiểu và có kiến thức về sức khỏe sinh sản, các bạn trẻ sẽ có trách nhiệm hơn và có những hành vi đúng mực trong các mối quan hệ.
Ngoài việc truyền thông nâng cao kiến thức về phòng tránh thai an toàn, hệ lụy của nạo phá thai, theo các chuyên gia, chúng ta cũng nên chú trọng vào việc cung ứng các phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản theo hướng thân thiện với vị thành niên, thanh niên.
Bên cạnh đó, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai; đẩy mạnh xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ sức khỏe sinh sản giúp tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, trong đó có vị thành niên, thanh niên; dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
CN. Trương Thị Hương- PTP Điều dưỡng