ĐỊNH NGHĨA
Rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý là một nhóm những triệu chứng về hành vi bao gồm những biểu hiện giảm tập trung chú ý, tăng hoạt động quá mức, xung động thiếu kiềm chế, khởi phát trước 7 tuổi và có xu hướng tiến triển kéo dài. Rối loạn này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và mối quan hệ xã hội của trẻ với những người xung quanh.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH
Tiêu chuẩn 1:
Nhóm 1: Triệu chứng giảm chú ý: có ít nhất 6 triệu chứng dưới đây tồn tại ít nhất trong 6 tháng, những triệu chứng này gây hậu quả trẻ khó thích ứng và thiếu hài hòa so với những trẻ khác cùng trang lứa.
- Thường xuyên không thể chú ý tới các chi tiết hoặc mắc những những lỗi dại dột khi làm bài ở trường, trong công việc hoặc trong các hoạt động khác.
- Thường xuyên gặp khó khăn duy trì tập trung chú ý vào công việc hay những trò chơi.
- Thường xuyên tỏ ra lơ đãng khi người khác nói chuyện với mình.
- Thường xuyên không tuân thủ các quy định, không hoàn tất bài tập ở trường, công việc và nhiệm vụ được giao ở nhà hay ở trường (không phải do chống đối hay không hiểu công việc được giao).
- Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc hay các hoạt động khác trong sinh hoạt.
- Thường xuyên né tránh hoặc thực hiện một cách miễn cưỡng những công việc cần sự tập trung (bài tập về nhà hay học ở trường).
- Thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập như sách vở, bút, thước v.v…
- Thường xuyên bị chi phối dễ dàng bởi các kích thích xung quanh.
- Thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt thường ngày.
Nhóm 2: Triệu chứng tăng động: có ít nhất 3 trong các triệu chứng dưới đây thời gian tồn tại ít nhất trong 6 tháng, những triệu chứng này gây hậu quả trẻ khó thích ứng và thiếu hài hòa so với các trẻ cùng trang lứa.
- Luôn ngọ nguậy chân tay hay uốn éo, vặn vẹo mình trên ghế.
- Luôn nhấp nhỏm đứng lên trong lớp học hoặc ở những nơi cần phải ngồi yên trên ghế.
- Chạy nhảy, leo trèo khắp nơi ở những nơi không cho phép (nếu là trẻ vị thành niên hay người trưởng thành có thể chỉ có cảm giác bồn chồn, khó chịu)
- Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tuân thủ luật lệ của các trò chơi hoặc các hoạt động giải trí.
- Vận động liên tục không biết mệt mỏi.
Nhóm 3: Triệu chứng xung động: có ít nhất một trong các triệu chứng dưới đây thời gian tồn tại ít nhất 6 tháng, triệu chứng này gây hậu quả trẻ khó thích ứng và thiếu hòa hợp so với các trẻ cùng trang lứa.
- Thường xuyên bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi.
- Thường xuyên gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt mình.
- Thường xuyên áp đặt, ngắt lời người khác.
- Nói quá nhiều.
Tiêu chuẩn 2: Những rối loạn này xuất hiện trước 7 tuổi.
Tiêu chuẩn 3: Các triệu chứng này không chỉ xuất hiện ở một hoàn cảnh nào đó mà phải xuất hiện trên các hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ kết hợp giữa nhóm triệu chứng giảm chú ý và tăng động vừa xuất hiện ở nhà và ở trường học hay xuất hiện ở trường học và ở những nơi khác khi trẻ được quan sát như tại nơi khám bệnh (thông tin cũng cần phải được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau)
Tiêu chuẩn 4: Những triệu chứng ở nhóm 1 và nhóm 3 gây nên sự khó khăn hoặc một sự giảm sút rõ rệt các chức năng xã hội, học tập và trong nghề nghiệp.
Tiêu chuẩn 5: Loại trừ chẩn đoán rối loạn quá trình phát triển lan tỏa, giai đoạn hưng cảm, giai đoạn trầm cảm, rối loạn lo âu.
CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ CHO TRẺ TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
- Nguyên tắc điều trị
- Điều trị bằng hóa dược là chủ yếu, kết hợp điều trị tâm lý xã hội
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn với gia đình và nhà trường.
- Thuốc
- Nhóm thuốc kích thần
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc giải lo âu
- Các thuốc chống loạn thần
- Clonidin
- Thuốc chống động kinh có hiệu quả với các triệu chứng về hành vi, cảm xúc hoặc khi có động kinh đi kèm.
- Điều trị hỗ trợ
- Liệu pháp tâm lý:
- Liệu pháp hành vi nhận thức:
- Giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, chia nhỏ các bước của nhiệm vụ và hướng dẫn trẻ cách làm.
- Khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt.
- Lắng nghe trẻ giải thích lý do và chỉ cho trẻ biết trẻ đã sai ở chỗ nào và tìm cách khắc phục.
- Những hành vi sai vẫn tái phạm cần nghiêm khắc hơn với trẻ như phạt bằng thời gian tách biệt, không được hưởng quyền lợi.
- Cha mẹ cần có thái độ mềm mỏng nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Tránh đánh mắng trừng phạt trẻ sẽ làm cho rối loạn nặng thêm.
- Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội.
- Tư vấn gia đình.
- Các bài tập tâm vận động nhằm giúp trẻ lập kế hoạch vận động phù hợp.
- Chơi trị liệu phù hợp giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi. Đi bộ, tập thư giãn giúp trẻ giảm mức độ tăng hoạt động.
- Trị liệu nhóm.
- Nuôi dưỡng tế bào thần kinh: piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline,….
- Thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc tăng cường nhận thức…
- Dinh dưỡng: bổ sung dinh dưỡng, vitamine nhóm b và khoáng chất, chế độ ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch…
THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Giai đoạn đầu dùng thuốc tái khám 1-2 tuần 1 lần để chỉnh liều thuốc.
- Khi tìm được liều thuốc hợp lý thì tái 2-3 tháng 1 lần.
BSCKII. Nguyễn Văn Thắng – Phòng KHTH