- Thế nào là chậm phát triển tâm thần?
Chậm phát triển tâm thần là một trạng thái phát triển bị ngừng trệ hay không đầy đủ của tâm thần, được đặc trưng chủ yếu bằng tật chứng về kỹ năng trong thời kỳ phát triển, bao gồm cả kỹ năng nhận thức, ngôn ngữ, học tập, lao động, xã hội, chăm sóc bản thân. Tỉ lệ gặp chậm phát triển tâm thần trong dân số chung là 1-3%.
Chậm phát triển tâm thần có thể kèm hoặc không kèm rối loạn cơ thể hoặc tâm thần khác. Phân loại theo mức độ bệnh bao gồm:
- Chậm phát triển tâm thần nhẹ
- Chậm phát triển tâm thần trung bình
- Chậm phát triển tâm thần nặng
- Chậm phát triển tâm thần nghiêm trọng
- Chậm phát triển tâm thần khác
- Chậm phát triển tâm thần không biệt định
2. Triệu chứng bệnh
2.1. Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ (F70)
- Khả năng tư duy: có tư duy mô tả cụ thể, không hiểu được tư duy trừu tượng, thiếu sáng kiến, khả năng phân tích tổng hợp kém. Biết nói chậm nhưng có khả năng sử dụng ngôn ngữ trong những giao tiếp hàng ngày, có thể hình thành ngôn ngữ viết. Có khả năng học hết tiểu học, nhưng hay lưu ban, khó khăn trong học lý thuyết.
- Khả năng cảm xúc: có cảm xúc cấp cao nhưng thiếu tự lập, phụ thuộc vào bố mẹ dù đã trưởng thành, không đủ khả năng giải quyết những mâu thuẫn nội tâm.
- Hành vi tác phong: có khả năng tự chăm sóc cá nhân. Có thể làm được các công việc đơn giản, thích nghi được với môi trường xã hội nhưng cần có trợ giúp và kém hiệu quả hơn người khác.
- Chậm phát triển mức độ nhẹ có chỉ số IQ: 50-69
2.2. Chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình (F71)
- Khả năng tư duy: có thể có tư duy khái quát thô sơ, không có tư duy trừu tượng, không hiểu được ý chính của vấn đề, khả năng phán đoán nghèo nàn, không có khả năng độc lập trong suy nghĩ. Có thể có tính toán đơn giản cụ thể, không tính toán trừu tượng. Chậm biết nói, chậm nghe hiểu, vốn từ không lớn, ngữ pháp đơn giản, phát âm sai, nói lắp, nói ngọng. Có thể sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp nhưng không hiểu quy tắc xã hội. Khó hình thành ngôn ngữ viết.
- Cảm xúc: không ổn định, cảm xúc cấp cao hạn chế.
- Hành vi tác phong: có thể làm được công việc đơn giản, không làm được công việc có tính quy trình, máy móc, không thay đổi được theo hoàn cảnh. Ít có khả năng sống tự lập hoàn toàn, cần có sự trợ giúp, hướng dẫn.
- Chậm phát triển mức độ trung bình có chỉ số IQ: 35-49
2.3. Chậm phát triển mức độ nặng (F72)
- Tư duy: có tư duy cụ thể, thô sơ, học được một vài kinh nghiệm đơn giản. Không có ngôn ngữ hoặc chỉ phát âm những âm đơn giản mà bản thân không hiểu.
- Cảm xúc: chỉ có cảm xúc bản năng, thỏa mãn bản thân, sự bày tỏ cảm xúc đơn sơ, có nhiều hạn chế.
- Hành vi tác phong: thường chỉ có những hoạt động bản năng hay những phản ứng thô sơ với các kích thích bên ngoài. Cần có người giúp đỡ trong hoạt động chăm sóc bản thân.
- Thường có bệnh lý cơ thể hoặc tâm thần khác đi kèm.
- Chậm phát triển mức độ nặng có chỉ số IQ: 20-34
2.4. Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần mức độ trầm trọng (F73)
- Tư duy: không có khả năng nhận thức, không có khả năng phản ứng với các kích thích đơn giản như nóng lạnh, không có ngôn ngữ.
- Cảm xúc: hoàn toàn là cảm xúc bản năng. Có cơn giận dữ, tự cào cấu hay tấn công người khác
- Vận động kém, có khi không đi được, hành động định hình lặp lại
- Thường có nhiều bệnh lý cơ thể, thần kinh, tâm thần đi kèm.
- Chậm phát triển mức độ trầm trọng có chỉ số IQ < 20.
3. Hỏi bệnh, xét nghiệm
Trẻ sẽ được bác sĩ đánh giá tiền sử gia đình, tiền sử sản khoa, bệnh tật, đánh giá sự phát triển tâm thần vận động của trẻ, khám toàn diện các cơ quan phát hiện bệnh phối hợp.
Ngoài ra làm các xét nghiệm:
- Trắc nghiệm tâm lý đánh giá trí tuệ (Wics, Raven, Denver…):
- Các xét nghiệm thường quy: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sinh hóa máu,
- Tổng phân tích nước tiểu, điện tim, siêu âm ổ bụng, x-quang tim phổi…
- Điện não đồ, CT scanner sọ não, MRI sọ não
- Một số xét nghiệm sinh hóa, một số chất chuyển hóa trong chẩn đoán chậm phát triển do nguyên nhân chuyển hóa
- Xét nghiệm di truyền trong chẩn đoán chậm phát triển do một số bệnh lý di truyền…
- Các trắc nghiệm tâm lý hỗ trợ trong chẩn đoán các bệnh lý tâm lý đi kèm như: trầm cảm, ADHD, tự kỷ…
4. Điều trị
Việc điều trị chậm phát triển tâm thần dựa vào đánh giá nhu cầu xã hội, giáo dục, tâm thần và môi trường. Cần xác định đây là điều trị lâu dài, cần có sự tham gia của cả gia đình, cộng đồng. Chậm phát triển tâm thần kết hợp với các rối loạn tâm thần cần điều trị phối hợp
4.1. Phương pháp giáo dục
- Với trẻ chậm phát triển tâm thần mức độ nặng và trầm trọng thường được chăm sóc, điều trị tại các trung tâm y tế giáo dục, trường học đặc biệt.
- Với trẻ chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ và trung bình: Thiết lập cho trẻ một chương trình toàn diện đào tạo kỹ năng thích nghi, kỹ năng xã hội và nghề nghiệp với mục đích giúp trẻ thích nghi hơn.
- Nội dung giáo dục gồm:
- Hướng dẫn các sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, chào hỏi người lớn, tuân theo các nội quy trong tập thể, lớp học.
- Học văn hóa như viết, đếm tính toán đơn giản
- Học nghề: những công việc đơn giản giúp tăng sự tự tin vào bản thân, có khả năng sống tự lập
- Trẻ chậm phát triển tâm thần có thể học qua các trực quan sinh động hoặc thực hành các tình huống giả định
4.2. Liệu pháp hành vi
- Liệu pháp hành vi nhằm hình thành, tăng cường các hành vi xã hội, kiểm soát giảm các hành vi gây hấn, phá hoại. Cần tiến hành trong thời gian dài.
4.3. Liệu pháp gia đình
- Cần thiết giáo dục cho gia đình bệnh nhân chậm phát triển tâm thần biết cách nâng cao năng lực và tự tin cho bệnh nhân. Cung cấp cho gia đình những kiến thức về nguyên nhân, điều trị, nuôi dưỡng trẻ bị chậm phát triển tâm thần. Giúp các thành viên trong gia đình bộc lộ sự lo lắng, bực bội, thất vọng về bệnh tật của con em họ để có được sự tư vấn thích hợp.
4.4. Các liệu pháp tâm lý khác: như liệu pháp âm nhạc, liệu pháp hội họa, liệu pháp thể dục thể thao, liệu pháp lao động, hoạt dộng trị liệu, vận động trị liệu…
Bên trong lớp học tại đơn nguyên Tâm bệnh – BV Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh
4.5. Liệu pháp hóa dược
- Liệu pháp hóa dược được chỉ định để điều trị các triệu chứng rối loạn hành vi và tâm thần của bệnh nhân chậm phát triển tâm thần cũng tương tự với những bệnh nhân không có chậm phát triển tâm thần.
- Triệu chứng lo âu, căng thẳng, sợ hãi
- Triệu chứng kích động, rối loạn hành vi
- Triệu chứng trầm cảm có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm phối hợp
- Tăng động giảm chú ý đi kèm có thể sử dụng phối hợp với thuốc điều trị tăng động giảm chú ý
- Động kinh đi kèm, sử dụng thuốc kháng động kinh
4.6. Điều trị hỗ trợ
- Nuôi dưỡng tế bào thần kinh: piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline, ….
- Thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc tăng cường nhận thức…
- Dinh dưỡng: bổ sung dinh dưỡng, vitamine nhóm b và khoáng chất, chế độ ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch…
5. Lời khuyên thầy thuốc
- Chậm phát triển tâm thần là bệnh lý không tiến triển vì vậy cần sự điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài
- Nguy cơ mắc các bệnh tâm thần trên bệnh nhân chậm phát triển tâm thần cao hơn so với dân số chung vì vậy việc theo dõi và điều trị các bệnh lý tâm thần đi kèm sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh.
- Chậm phát triển tâm thần có tỷ lệ mắc các bệnh lý cơ thể cao vì vậy việc theo dõi, chăm sóc, phát hiện, điều trị bệnh lý cơ thể kèm theo sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng, tử vong cho người bệnh
BSCKII. Nguyễn Văn Thắng – Phòng KHTH