Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là chứng bệnh rất phổ biến và nguy hiểm, người bệnh có thể bị trầm cảm nhẹ, vừa hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, dẫn đến những hành động tiêu cực cho bản thân.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Họ thường có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán, lo lắng nhiều vấn đề trong đời sống.
Trầm cảm có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể tự khỏi, nhưng cũng có nhiều trường hợp nặng không can thiệp điều trị kịp thời dẫn đến người mẹ mất tự chủ, xuất hiện hành động tự hủy hoại bản thân, thậm chí chọn cách kết thúc sinh mệnh cả mẹ và con.
Dấu hiệu nhận biết cơn trầm cảm ở phụ nữ sau khi sinh con
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất khó nhận biết, cho đến khi họ có biểu hiện hành động, cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng sức khỏe bản thân. Mọi gia đình có phụ nữ mới sinh cần quan tâm lưu ý những dấu hiệu khởi phát trầm cảm như sau:
- Thay đổi cảm xúc, tâm trạng, chán nản, bồn chồn, ủ rũ;
- Khóc nhiều;
- Ít nói chuyện, xa lánh gia đình và bạn bè;
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường;
- Mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều;
- Mệt mỏi quá mức;
- Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm hoặc lặp lại;
- Không có hứng thú hay niềm vui với các hoạt động xung quanh ngay cả khi thường ngày yêu thích;
- Dễ cáu gắt, khó chịu và tức giận;
- Tâm trạng lo âu mình không phải là một người mẹ tốt;
- Không có hứng thú với em bé hoặc cảm thấy em bé dường như không phải là con của mình;
- Giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra quyết định;
- Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé;
- Suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc tự tử…
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Hiện nay, khoa học vẫn chưa kết luận được nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau khi sinh con ở phụ nữ, do phụ thuộc vào thể chất, tinh thần và hoàn cảnh của mỗi sản phụ. Tuy nhiên, có thể kết luận một số nhóm nguyên nhân thường gặp nhất là: thay đổi nội tiết tố, tiền sử rối loạn tâm lý, cảm xúc, yếu tố đời sống…
Hậu quả của trầm cảm sau sinh
Đối với bà mẹ bị trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, đôi khi trở thành một rối loạn trầm cảm mãn tính. Ngay cả khi được điều trị, trầm cảm sau sinh làm tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai của người phụ nữ. Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường:
– Không có đủ năng lượng để hoạt động nhất là trong chăm sóc con cái
– Người mẹ Không thể chăm sóc em bé
– Có nguy cơ tự tử cao hơn
Đối với em bé có mẹ bị trầm cảm sau sinh
Con của những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không được điều trị có nhiều khả năng gặp vấn đề về cảm xúc và hành vi như:
– Chậm phát triển ngôn ngữ và vấn đề học tập
– Các vấn đề liên kết mẹ-con bị ảnh hưởng nặng nề
– Có thể có những hành vi bất thường hoặc dễ kích động hơn trẻ bình thường
– Trẻ có thể thường có những cảm xúc tiêu cực
– Chậm phát triển chiều cao và nguy cơ béo phì cao hơn trẻ khác
– Trẻ có thể thường xuyên căng thẳng và khó thích nghi với môi trường, gặp vấn đề về hòa nhập xã hội.
Đối với gia đình
Người chung sống cùng người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao. Đó có thể là người chồng, hay bố mẹ, anh chị em ruột chung sống trong một mái nhà, khi có sự căng thẳng triền miên trong gia đình, tâm lý, sức khỏe từng thành viên sẽ ảnh hưởng.
Phòng ngừa trầm cảm sau sinh
Dự phòng trầm cảm sau sinh đặc biệt cần thiết với những người có tiền sử trầm cảm hoặc trầm cảm sau sinh.
Ngay từ khi mang thai
Đối với phụ nữ bình thường, ngay từ khi mang thai nên được quan tâm và chăm sóc cả về dinh dưỡng và tinh thần. Phụ nữ mang thai nên tự mình tham gia các hoạt động tích cực như đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc, học một bộ môn nghệ thuật nào đó hoặc gặp gỡ bạn bè – người có kinh nghiệm thai kỳ… để giúp tâm trạng luôn ổn định, vui vẻ.
Với phụ nữ có tiền sử trầm cảm hoặc dấu hiệu nên gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Trong trường hợp nghiêm trọng, thuốc chống trầm cảm có thể được khuyến nghị phù hợp với phụ nữ mang thai.
Sau khi sinh
Sau khi sinh em bé, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra sớm sau sinh để sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh. Càng phát hiện sớm, việc điều trị sớm hơn có thể bắt đầu. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể đề nghị điều trị chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý ngay sau khi sinh.
Phụ nữ sau khi sinh cần có chế độ sinh hoạt phù hợp:
– Lối sống lành mạnh bao gồm các hoạt động thể chất như đi dạo với bé hàng ngày, được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh và tránh uống rượu.
– Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ, điều chỉnh mong muốn của bản thân, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, chỉ làm những gì bạn có thể.
– Dành thời gian cho chính mình. Nếu bạn cảm thấy như thế giới đang đổ hết lên đầu bạn, hãy dành thời gian cho bản thân. Mặc quần áo đẹp, ra khỏi nhà và ghé thăm một người bạn hoặc làm một vài việc vặt. Hãy dành thời gian ở một mình với người bạn đời.
– Tránh việc tự cô lập bản thân. Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè của bạn về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập để giúp bạn cảm thấy hòa mình trở lại với cuộc sống.
– Yêu cầu giúp đỡ: Cố gắng mở lòng với những người thân và cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó nhận trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi, hãy nhận sự giúp đỡ. Bạn có thể ngủ, chợp mắt một chút hoặc bạn có thể xem một bộ phim hay uống cà phê với bạn bè.
Trầm cảm sau sinh là căn bệnh tâm lý phổ biến trong xã hội hiện đại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm hỗ trợ ổn định tâm lý, giúp người mẹ lành bệnh, để có đủ sức khỏe, tinh thần tốt chăm con. Người thân nên đưa sản phụ đi khám bệnh tại các cơ sở uy tín nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE: 1900.588.527
Bs CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp