Dị ứng khi thay đổi thời tiết là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ em. Nó khiến trẻ bị nổi mề đay đi kèm với đó là một số biểu hiện toàn thân như đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, sốt nhẹ, tiêu chảy… Cần sớm đưa trẻ thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách.
Dấu hiệu nhận biết
Ở trẻ em, tình trạng dị ứng thời tiết có thể gây ra cả tổn thương trên da đi kèm với nhiều triệu chứng toàn thân. Dưới đây là một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh dị ứng thời tiết ở trẻ em:
- Da của trẻ có dấu hiệu bị châm chích và hơi đỏ lên. Sau đó sẽ dẫn xuất hiện các sẩn ngứa nhỏ, có thể mọc khu trú hoặc lan tỏa.
- Tổn thương trên da đôi khi còn khiến cho các vùng da xung quanh bị đỏ lên, viêm nhẹ. Đi kèm với đó là cảm giác nóng rát rất khó chịu.
- Tổn thương da thường xuất hiện đầu tiên ở mặt, cổ, ngực và tay chân. Sau đó sẽ dần lan tỏa trên phạm vi rộng. Rất nhiều trường hợp còn lây lan ra toàn thân.
- Các sẩn đỏ trên da thường sẽ gây ngứa ngáy từ âm ỉ cho đến dữ dội. Mức độ ngứa sẽ được nhân lên khi có các phản ứng ma sát, cào gãi, cà xát…
- Mức độ phản ứng quá mức của các mao mạch trên da trong nhiều trường hợp còn khiến cho trẻ bị sốt nhẹ.
- Tổn thương da còn đi kèm với nhiều triệu chứng hô hấp khác. Điển hình như chảy nước mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, ho, đau họng…
- Một số trẻ còn có thể bị mệt mỏi, bỏ ăn, tiêu chảy, quấy khóc…
Phương pháp điều trị
Nếu trẻ bị nhẹ thì có thể áp dụng các biện pháp cải thiện và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu trẻ gặp các triệu chứng nặng nề hay có dấu hiệu bùng phát cơn hen thì việc thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn từ bác sĩ là rất cần thiết.
Dưới đây là một số giải pháp điều trị dị ứng thời tiết ở trẻ em:
- Các giải pháp chăm sóc và điều trị tại nhà
Một số trường hợp trẻ chỉ bị dị ứng thời tiết nhẹ. Lúc này, tổn thương da thường khu trú và đi kèm với các triệu chứng hô hấp như nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho… Bạn có thể áp dụng giải pháp chăm sóc và điều trị cho trẻ tại nhà.
Trường hợp trẻ bị dị ứng thời tiết nóng thì nên dùng nước mát tắm cho trẻ 2 lần/ ngày
Các giải pháp chăm sóc và điều trị dị ứng thời tiết cho trẻ tại nhà, bao gồm:
- Dùng nước mát tắm cho trẻ, kết hợp với việc thường xuyên vệ sinh mũi và súc miệng. Cách này giúp làm dịu da và niêm mạc hô hấp, đồng thời loại bỏ các dị nguyên.
- Nếu trẻ bị dị ứng thời tiết nóng thì mẹ cần tắm cho bé khoảng 2 lần/ ngày nhằm giảm mồ hôi và hạ thân nhiệt. Đồng thời cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, rộng rãi để làm giảm ma sát cũng như kích ứng lên da.
- Trong trường hợp trẻ bị dị ứng thời tiết lạnh thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ. Cùng với đó cần tránh để trẻ di chuyển hay vui chơi ngoài trời.
- Vào những ngày trời có nhiều gió thì nên chú ý đóng cửa sổ. Điều này sẽ giúp trẻ hạn chế tình trạng tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên.
- Cắt gọn móng tay cho trẻ, đồng thời nhắc nhở trẻ không được cào gãi hay chà xát lên các vùng da bị tổn thương.
- Cần cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Đồng thời chú ý bổ sung các thực phẩm lành mạnh để có thể tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Thăm khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ
Trẻ nhỏ là đối tượng có cơ địa nhạy cảm hơn rất nhiều so với người trưởng thành. Chính vì vậy mà có thể dễ bị mẫn cảm với các loại thuốc tây điều trị. Chính vì vậy, khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh là tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ.
Tốt nhất khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị dị ứng thời tiết thì nên đưa trẻ thăm khám sớm. Bác sĩ sẽ kiểm tra và kê toa thuốc phù hợp với mức độ bệnh cũng như độ tuổi của trẻ.
Nếu các triệu chứng dị ứng thời tiết trở nên nặng nề thì việc điều trị bằng thuốc cho trẻ là cần thiết
Một số loại thuốc thường được chỉ định để điều trị dị ứng thời tiết ở trẻ em, bao gồm: Thuốc kháng histamine, Thuốc Epinephrine, Kem bôi dưỡng ẩm …
Biện pháp phòng ngừa dị ứng thời tiết ở trẻ em
Thời điểm thời tiết giao mùa chính là lúc trẻ rất dễ bị dị ứng thời tiết, vì vậy cha mẹ nên lưu ý vào những thời điểm này cần bảo vệ sức khỏe trẻ bằng những cách sau đây:
- Tăng cường thể trạng và hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung các thực phẩm lành mạnh. Ví dụ như thực phẩm giàu vitamin C, khoáng chất, probiotic, tinh bột, omega-3…
- Khi thời tiết thay đổi đột ngột, bạn cần chú ý giữ ấm cho trẻ. Đồng thời hạn chế cho bé đi ra ngoài trời. Bên cạnh đó có thể cho trẻ uống trà mật ong hay trà gừng để phòng dị ứng cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
2
- Tránh để cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố dễ gây kích thích. Thường gặp nhất là lông chó mèo, phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, côn trùng hay nhựa thực vật.
- Bạn nên khuyến khích trẻ vui chơi thể thao. Cách này vừa giúp nâng cao thể trạng lại có thể làm giảm mức độ nhạy cảm của cơ địa. Tuy nhiên cần hướng dẫn trẻ tập luyện đúng cách, phù hợp với độ tuổi.
- Tham khảo bác sĩ để sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với bé. Nên dùng kem dưỡng cho trẻ để đảm bảo độ ẩm và tăng cường hàng rào bảo vệ da.
Tuyệt đối không được chủ quan với bệnh dị ứng thời tiết ở trẻ em. Sớm đưa trẻ thăm khám ở cơ sở y tế để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách.
Bác sỹ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp