Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân do hàm lượng bilirubin trong máu tăng cao. Vàng da ở trẻ sơ sinh có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Ở hầu hết trẻ sơ sinh, vàng da sinh lý không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, vàng da bệnh lý có thể tiến triển nhanh, để lại di chứng nặng nề cho trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Vàng da sinh lý
Vàng da sinh lý là tình trạng bình thường ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ đủ tháng, sức khỏe bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh.
- Tự hết trong vòng 7-10 ngày.
- Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Chỉ là vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì…
- Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng.
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Vàng da sinh lý không cần can thiệp y tế. Chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể sẽ đào thải bilirubin ra ngoài và tình trạng vàng da sẽ biến mất trong vòng 1 đến 2 tuần.
Vàng da bệnh lý
Vàng da bệnh lý
Vàng da được coi là bệnh lý khi vàng da xuất hiện sớm, tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều và thường kèm các triệu chứng bệnh lý khác. Những ngày đầu sau sinh là “thời điểm vàng” để bố mẹ theo dõi tình trạng vàng da ở trẻ. Những bất thường đó là:
- Vàng da đậm xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh;
- Vàng da không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân;
- Không hết vàng da sau 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ non tháng;
- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
- Vàng da ở trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai
Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa sơ sinh để được chẩn đoán và điều trị vàng da sơ sinh càng sớm càng tốt, tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
Cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh
Ấn nhẹ bàn chân để xác định có vàng da hay không
– Cha mẹ cần quan sát da trẻ hàng ngày, đặc biệt trong vòng hai tuần đầu sau sinh. Thông thường cần nhìn, quan sát ở nơi có ánh sáng tự nhiên, vì nếu quan sát dưới ánh sáng đèn thì tình trạng vàng da có thể nặng hơn hoặc nếu thiếu ánh sáng thì không thể phát hiện được vàng da.
– Nếu nghi ngờ cần dùng tay ấn nhẹ lên da từ 2 – 5 giây ở ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ. Sau đó thả tay khỏi vùng da đó, nếu có màu vàng thì khả năng trẻ bị vàng da. Cần quan sát vị trí vàng da, vì thường sẽ xuất hiện từ mặt đến trên rốn, đến đùi, đến cẳng chân (tay), đến bàn chân.
– Mức độ vàng da có thể từ nhẹ, vừa đến rõ đậm. Tuy nhiên, để xác định chính xác vàng da, cần có sự tư vấn của bác sĩ Nhi khoa và một số trường hợp cần phải làm các xét nghiệm để chẩn đoán.
– Dấu hiệu trẻ cần đi khám là khi vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh. Tình trạng vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và bàn chân hoặc vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ thiếu tháng. Hoặc trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như: bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu…
Ngoài ra, nếu cha mẹ không yên tâm khi trẻ bị vàng da, thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Lời khuyên thầy thuốc
Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau khi sinh đề phòng ngừa vàng da.
Để phòng bệnh vàng da sơ sinh, tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, bú càng sớm càng tốt và bú đủ từ 8 – 12 cữ mỗi ngày, để đảm bảo trẻ không bị mất nước, giúp cơ thể đào thải Bilirubin nhanh hơn. Với trường hợp trẻ không được bú mẹ (do bệnh lý của mẹ), trẻ có thể phải bú sữa công thức: Cho trẻ bú khoảng 30 – 60 ml sữa công thức mỗi 2 – 3 giờ trong tuần đầu tiên.
Trẻ cần nằm ở phòng có đầy đủ ánh sáng để dễ dàng quan sát và phát hiện sớm các trường hợp vàng da. Không nằm trong buồng tối liên tục, quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời mỗi ngày.
Tắm nắng cho trẻ rất quan trọng, vì có thể giúp trẻ bị vàng da nhẹ mau hết hơn, nhưng không thể điều trị kịp các trường hợp vàng da sơ sinh nặng. Đối với các trẻ mới vàng da nhẹ thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bác sỹ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp.