Bệnh võng mạc trẻ đẻ non là tình trạng bệnh lý xảy ra do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, thường gặp ở trẻ sinh non (trước 31 tuần) hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân (cân nặng dưới 1,25kg). Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây mất thị giác lúc nhỏ, thậm chí là mù vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây ROP: Ở các trẻ đẻ non, các mạch máu có thể ngừng phát triển hoặc phát triển sai lệch. Các mạch máu mỏng manh có thể vỡ ra, gây xuất huyết trong mắt. Các mô sẹo hình thành, và khi chúng co lại chúng có thể kéo võng mạc rời khỏi phần sau của mắt. Bong võng mạc là nguyên nhân chính gây nên các vấn đề về thị giác và thậm chí mù lòa ở trẻ bị mắc ROP.
Các giai đoạn tổn thương của bệnh võng mạc trẻ sinh non
GĐ 1: Có một ranh giới mỏng ngăn cách giữa võng mạc bình thường ở phía sau với vùng võng mạc vô mạch.
GĐ 2: Ranh giới giữa hai khu vực rộng ra và dày lên thành một cái gờ.
GĐ 3: Tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc, mạch máu có thể xuất huyết.
GĐ 4: Các mạch máu bất thường và mô sẹo sẽ làm co kéo võng mạc, dẫn đến bong võng mạc khu trú.
GĐ 5: Bong võng mạc hoàn toàn, làm giảm thị lực trầm trọng
Điều trị: Việc điều trị ROP có thể bao gồm:
• Phẫu thuật laser (còn gọi là ngưng kết quang học – photocoagulation): Bác sỹ sẽ sử dụng chùm tia laser để đốt và hình thành các sẹo bên trong võng mạc để ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu bất thường và phòng bong võng mạc.
• Liệu pháp làm lạnh (cryotherapy): Bác sỹ sử dụng một đầu kim loại để làm lạnh và tạo sẹo bên trong võng mạc. Biện pháp này có thể ngăn chặn được sự lan rộng của các mạch máu bất thường và phòng bong võng mạc.
• Thắt củng mạc: Bác sỹ đặt một dải silicone xung quanh lòng trắng của mắt (màng cứng). Dải này giúp đẩy mắt theo hướng vào trong để võng mạc giữ trên thành trong của mắt lâu hơn. Khóa sẽ được loại bỏ sau khi mắt phát triển hơn. Trường hợp nó không được loại bỏ, trẻ có thể bị cận thị.
• Thủ thuật loại bỏ dịch thủy tinh (vitrectomy): Bác sỹ sẽ loại bỏ phần dịch thủy tinh trong mắt trẻ (thủy dịch) và thay vào đó bằng dung dịch saline (nước muối sinh lý). Phương pháp phẫu thuật này thường chỉ định cho trẻ mắc ROP giai đoạn 5.
Biến chứng: Nhiều trẻ mắc ROP có khả năng mắc phải một số căn bệnh về mắt về sau như: Cận thị, lác mắt, nhược thị, tăng nhãn áp (bệnh này gây tổn thương các dây thần kinh thị giác liên kết võng mạc và não bộ, có thể dẫn tới mất thị lực và mù lòa.
Phòng bệnh:
Sàng lọc hiệu quả và điều trị sớm là một phương pháp làm giảm nguy cơ mù cho trẻ.
– Tất cả những trẻ có tuổi thai khi sinh ≤ 33 tuần và cân nặng khi sinh ≤ 1800g.
– Với những trẻ có tuổi thai khi sinh > 33 tuần, cân nặng khi sinh > 1800g, nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng … cũng cần phải được khám mắt nếu có yêu cầu của bác sĩ sơ sinh (tiêu chuẩn này có thể thay đổi khi hồi sức sơ sinh được cải thiện tốt hơn).
Bác sĩ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH