Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh khi mang thai rất quan trọng. Bởi chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của của thai nhi cũng như làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý cho các sản phụ trong suốt thai kỳ. Do đó, việc lựa chọn các thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu là rất quan trọng. Dinh dưỡng như thế nào cho đúng và cần đặc biệt chú ý bổ sung những dưỡng chất gì trong quá trình mang thai là điều các mẹ bầu quan tâm. Dưới đây là 5 nhóm dưỡng chất cần thiết cho mẹ bầu trong giai đoạn mang thai.
1. Sắt
Nhu cầu sắt của bà bầu theo khuyến cáo là 30mg sắt nguyên tố trên ngày trong suốt quá trình mang thai và sau sinh một tháng. Nếu chế độ ăn mẹ bầu không cung cấp đủ sắt dẫn tới thiếu sắt. Khi thiếu sắt, mẹ bầu sẽ gặp phải các triệu chứng như xanh xao, mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ,… Bé có nguy cơ nhẹ cân, sinh non…
Các thực phẩm có nhiều sắt: Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, nghêu, sò, ốc, hến, ngũ cốc, gan, tiết…các loại rau có nhiều sắt như rau dền, rau bina, các loại rau màu xanh…
2. Canxi
Canxi cần cho sự phát triển khung xương của thai nhi. Nhu cầu canxi trong suốt quá trình mang thai từ 800mg- 1000mg mỗi ngày, đặc biệt tăng trong giai đoạn cuối thai kỳ khoảng 1500mg trên ngày trong 3 tháng cuối và thời kỳ cho con bú. Chế độ ăn của mẹ bầu không cung cấp đủ canxi dẫn đến mẹ dễ bị đau nhức xương, răng dễ vỡ; trẻ sinh ra có thể bị còi xương.
Thực phẩm chứa nhiều canxi: Sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, tôm, phomai, các loại rau xanh… Ngoài chế độ ăn giàu canxi việc bổ sung thêm canxi qua viên uống là cần thiết. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và thời điểm sử dụng để đem lại hiệu quả tốt nhất.
3. Acid Folic (vitamin B9)
Axit folic hay còn gọi là Vitamin B9 là một loại vitamin hết sức cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, việc uống acid folic với liều lượng thích hơp từ 3 tháng trước khi mang thai đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ làm giảm đáng kể tỷ lệ thai nhi mắc các dị tật của ống thần kinh như tật nứt đốt sống gây liệt chi dưới, đại tiểu tiện không kiểm soát, mất cảm giác chi dưới hoặc nặng nề hơn như dị dạng thai vô sọ…Chế độ ăn cho bà bầu không cung cấp đủ acid folic dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Nhu cầu khuyến cáo cho bà bầu là 400 – 800 mcg/ ngày. |
Nguồn cung cấp acid folic: giá đỗ, các loại rau có màu xanh sẫm như rau cải xanh, sữa, chuối, ngũ cốc nguyên hạt… hoặc sử dụng viên uống có chứa acid folic.
4. DHA
DHA là một axit béo thuộc nhóm omega-3 được tìm thấy nhiều trong một số loại thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy, DHA là một dưỡng chất vô cùng thiết yếu đối với cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em.
DHA rất dồi dào trong các loại hải sản như cá biển sâu, động vật có vỏ, dầu cá và một số loại tảo biển. Một số loại cá được xem là một nguồn cung cấp DHA tuyệt vời như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi và trứng cá muối.
5. Các loại vitamin và các yếu tố vi lượng
- Kẽm
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, phụ nữ có thai cần 15 – 25mg kẽm nguyên tố/ngày. Lượng kẽm hàng ngày cho phụ nữ mang thai phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tuổi tác và tình trạng thiếu hụt kẽm được đánh giá qua xét nghiệm. Tuy nhiên, việc chỉ định bổ sung kẽm luôn được các chuyên gia dinh dưỡng, các bác sĩ khuyến khích tăng cường qua chế độ ăn đa dạng thực phẩm, ăn các loại thực phẩm giàu kẽm như: thịt, hải sản, sữa ít béo, sữa chua, các loại hạt…
- Iod
Mỗi ngày phụ nữ có thai nên cung cấp đủ từ 175 đến 220mcg iod. Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu iot là ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Phụ nữ mang thai bị thiếu iot có nguy cơ cao bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra sẽ bị chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, cân nặng sơ sinh thấp. Ngoài ra, trẻ bị thiếu iot ngay từ trong thai kỳ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, lé, điếc, câm. Thiếu iot cũng làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.
Nguồn cung cấp iod từ cá biển, sò, rong biển…. Phụ nữ mang thai nên sử dụng muối có hàm lượng iod cao.
- Vitamin A
Thiếu vitamin A dẫn đến tăng tỉ lệ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tới thị giác, gây khô mắt. Nhu cầu vitamin A cho phụ nữ mang thai là 750 mcg/ngày.
Nguồn cung cấp vitamin A từ các thực phẩm tự nhiên như trứng, sữa, gan… Ngoài ra nguồn cung cấp caroten (Tiền chất của vitamin A khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A) bao gồm các loại rau xanh, rau dền, các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ (Cà rốt, gấc, bí đỏ…). Chế độ ăn cho bà bầu nếu đa dạng, dinh dưỡng tốt không cần bổ sung thêm vitamin A. Tránh bổ sung nhiều vitamin A có thể gây dị dạng thai nhi.
- Vitamin D
Loại vitamin cần thiết cho quá trình hấp thu canxi, phospho. Nhu cầu vitamin D cho bà bầu là 800UI/ ngày. Thiếu vitamin D gây giảm hấp thu canxi và phospho trẻ có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ. Phụ nữ có thai có thể tăng cường lượng vitamin D bằng cách tắm nắng, ăn các thực phẩm giàu vitamin D như cá, bơ, trứng, sữa. Tuy nhiên nguồn cung cấp vitamin D từ thực phẩm khá nghèo nàn và khó hấp thu nên bà bầu có thể bổ sung bằng cách uống viên bổ sung vitamin D.
- Vitamin B1
Vitamin B1 cần thiết cho quá trình chuyển hóa glucid, phòng chống bệnh beriberi (bệnh tê phù), nhu cầu cho cơ thể là khoảng 1,1mg/ ngày. Chế độ ăn cho mẹ bầu nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 như: Ăn gạo còn cám, các hạt họ đậu…
- Vitamin B2
Là loại vitamin tham gia vào quá trình tạo máu, thiếu vitamin B2 gây thiếu máu ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, nhu cầu vitamin B2 là khoảng 1,5mg/ngày. Nguồn cung cấp là thịt động vật, sữa, các loại rau, đậu….
- Vitamin C
Vai trò của vitamin C: Tham gia vào quá trình tạo kháng thể tăng sức đề kháng của cơ thể, làm tăng hấp thu sắt, góp phần làm giảm thiểu thiếu máu do thiếu sắt. Nhu cầu vitamin C cho phụ nữ có thai là 80mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 100mg/ ngày.
Vitamin C có nhiều trong quả chín, các loại quả như bưởi, cam, chanh, ổi, xoài… rau xanh. Ngoài ra mẹ có thể bổ sung thêm viên uống tổng hợp có chứa vitamin C.
Chế độ ăn uống cho mẹ bầu là rất quan trọng ảnh hưởng tới thế hệ sau này. Vì vậy mẹ bầu cần chú ý cung cấp đủ những nhóm dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển thai nhi một cách hoàn thiện nhất.
Ths. YTCC Phạm Thị Hồng Châu – phòng Kế hoạch tổng hợp