Với điều kiện khí hậu mùa đông xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa như bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy do rota virus…
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2018, Đơn nguyên Nội nhi tiêu hóa truyền nhiễm – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tiếp nhận và điều trị gần 1000 lượt bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, trong đó có gần 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, hơn 80 trẻ tiêu chảy do rota virus, 12 trẻ mắc bệnh sởi, 7 trẻ quai bị và 8 trẻ mắc thủy đậu.
Từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị khoảng 300 trường hợp bệnh tay chân miệng, trong đó số lượng trẻ mắc tay chân miệng tăng cao vào tháng 9 và tháng 10. Số trẻ mắc tay chân miệng chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Ngoài bệnh tay chân miệng, hiện tại số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp do rota virus cũng đang có xu hướng tăng. Bệnh này thường gặp ở trẻ 6 tháng đến 36 tháng tuổi, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa (phân – miệng).Rotavirus gây viêm dạ dày ruột rất đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của các triệu chứng tiêu chảy phân nước, sốt và nôn. Triệu chứng thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh 2-3 ngày và kéo dài khoảng 5-7 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến tiêu chảy mất nước nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Nôn và đi ngoài phân tóe nước là 2 đặc điểm lâm sàng thường gặp trong tiêu chảy do rotavirus mà ít thấy trong các căn nguyên khác. Thông thường trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng nôn và sốt sau đó là tiêu chảy tóe nước nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài đến 10 ngày. Phân thường không có nhày máu. Hầu hết những trẻ phải nhập viện vì tiêu chảy do rotavirus có cả 3 triệu chứng tiêu chảy, nôn và sốt.
Ngoài ra, số lượng bệnh nhân mắc sởi gặp tăng so với cùng kỳ năm 2017 (12 trẻ mắc sởi trong 2 tháng 9 và tháng 10 năm 2018). Bệnh sởi gặp chủ yếu ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, chủ yếu trẻ chưa được tiêm phòng sởi và chưa đến lứa tuổi tiêm phòng (9 tháng). Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo để chủ động phòng bệnh sởi, các gia đình cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Bệnh sởi rất dễ lây nên cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, gia đình cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi; hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện…
Tác giả: Phạm Thị Thanh Hương – BVSN