Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút viêm gan B gây ra. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc viêm gan B. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan. Do đó, tiêm ngừa vắc xin viêm gan B cho trẻ là vô cùng quan trọng, cần tiêm càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 24 giờ đầu sau sinh.
Sau đây là quy trình tiêm chủng viêm gan B sơ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh:
Các trường hợp không được tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ:
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các liều thuốc đã được tiêm chủng trước đó. Điều này có thể liên quan đến các thành phần trong vắc xin hoặc các chất phụ gia có trong vắc xin.
- Sốc phản vệ với kháng sinh có trong vắc-xin. Một số vắc xin viêm gan B có chứa các thành phần kháng sinh để ngăn chặn các nhiễm trùng phụ và tăng cường hiệu quả của vắc xin. Tuy nhiên, nếu trẻ đã từng trải qua phản ứng dị ứng nghiêm trọng với kháng sinh, việc tiêm vắc xin này có thể gây nguy hiểm.
- Hệ miễn dịch của trẻ bị ức chế vì đang điều trị cấy ghép nội tạng, ung thư hoặc trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng. Trong những trường hợp này, việc tiêm vắc xin có thể gây tác động xấu đến sức khỏe của trẻ và không được khuyến nghị, cần được dời lại hoặc chống chỉ định tiêm.
Vắc xin viêm gan B
Lịch tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh bao gồm 1 mũi vắc xin ngay sau khi sinh, không quá 24 giờ. Đối với các trẻ sinh ra từ mẹ bị viêm gan B, cần tiêm kết hợp cùng lúc với huyết thanh kháng viêm gan B ở vị trí khác so với vị trí tiêm vắc xin.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, hãy tiêm phòng vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24h đầu sau sinh và tiếp tục tiêm các mũi tiếp theo đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại địa phương để chủ động phòng ngừa bệnh viêm gan B.
Bác sĩ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH.