Nôn trớ là một triệu chứng rất hay gặp ở trẻ. Trẻ càng nhỏ nôn trớ càng nhiều. Người ta nhận thấy có tới 20-50% trẻ sơ sinh bị nôn trớ sau ăn và thường tự khỏi khi trẻ được 6-12 tháng tuổi.
Nôn trớ là trường hợp các chất chứa đựng trong dạ dày (có thể là thức ăn, dịch dạ dày, dịch mật, máu,..) bị tống ra ngoài theo đường miệng.
Trẻ nôn trớ nhiều sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn nước và điện giải, có khi nguy hiểm đến tính mạng hoặc suy dinh dưỡng…. Do đó cần phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để có chẩn đoán xác định và can thiệp kịp thời. Cách cho trẻ ăn uống rất cần thiết và quan trọng để giúp trẻ hạn chế tối đa việc nôn trớ.
- Có nhiều nguyên nhân gây nôn trớ cho trẻ như:
- Nguyên nhân liên quan đến ăn uống: không dung nạp đường; ngộ độc thức ăn; dị ứng thức ăn; nôn trớ do tâm lý sợ khi trẻ bị ép ăn; do mùi vị thức ăn; do trẻ ăn quá no; do cho trẻ ăn nhiều thức ăn gây đầy hơi, trướng bụng; do cách cho trẻ ăn không đúng,…
- Nguyên nhân liên quan đến bệnh lý: do bệnh lý đường tiêu hoá như trào ngược, tắc ruột, lồng ruột, dị tật bẩm sinh ống tiêu hoá,…; do bệnh nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân như nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm màng não, rối loạn chuyển hoá,…
- Biện pháp khắc phục:
Cần xác định được nguyên nhân nôn trớ ở trẻ để có hướng điều trị phù hợp:
- Nôn trớ có liên quan đến bệnh lý: trẻ cần được điều trị theo phác đồ của bác sĩ điều trị kết hợp với dinh dưỡng theo chế độ riêng biệt dành cho bệnh của trẻ.
- Nôn trớ liên quan đến ăn uống:
- Tạo cảm hứng cho trẻ khi ăn: làm cho trẻ thoải mái, vui vẻ khi nhìn thấy thức ăn.
- Không nhồi nhét, ép trẻ ăn làm trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn
- Cần thay đổi khẩu vị thường xuyên để tạo cảm hứng ăn cho trẻ không bị ngán.
- Khi cho trẻ ăn thức ăn mới cần tập cho trẻ thích nghi bằng cách cho ăn từ ít đến nhiều, dần dần trộn lẫn với thức ăn trẻ ưa thích.
- Khi cho trẻ ăn cần tránh để dụng cụ cho trẻ ăn lâu trong miệng trẻ hoặc kích thích vào răng hay họng của trẻ gây phản xạ nôn.
- Khi cho bú bình cần nghiêng chai sữa 45 độ cho sữa ngập hết cổ bình, hướng lỗ thoát khí của bình lên trên sẽ giúp trẻ bú dễ dàng hơn và hạn chế trẻ bị nuốt khí gây đầy hơi.
- Khi trẻ ăn xong cần đặt trẻ ở tư thế đầu cao hơn thân khoảng 10-15 phút sau đo mới đặt nằm.
- Đối với trẻ không dung nạp đường fructose, galactose hoặc do dị ứng thức ăn cần xác định rõ nguyên nhân và tránh không cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa các thành phần đó.
Tô Thảo – Phòng Điều dưỡng.
————————————————————————————
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
- ? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
- ? Email: syt@bacninh.gov.vn
- ☎ Hotline: 1900 588 827
- ? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
- ? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh