Còi xương là một bệnh phổ biến ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi dưới 2 tuổi là 10 – 20% nhưng ở 3-6 tháng có thể lên đến 35%. Trẻ bị còi xương sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phát triển chiều cao của trẻ sau này. Hầu hết những trẻ bị còi xương thường gầy yếu và thấp bé hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Do vậy, nếu không phát hiện kịp thời bệnh còi xương ở trẻ, trẻ sẽ không thể phát triển chiều cao tối ưu. Những trẻ có nguy cơ bị còi xương là: trẻ sinh non, sinh đôi, sinh ba; do di truyền; do môi trường sống thiếu ánh sáng (thành phố công nghiệp, nhiều nhà cao tầng); trẻ sinh ra vào mùa đông; chế độ nuôi dưỡng không khoa học. Bố mẹ nên nắm được một số biểu hiện nghi mắc còi xương của con để kịp thời phát hiện và có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp giúp con phòng bệnh và khoẻ mạnh mau lớn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh còi xương ở trẻ?
- Trẻ ra mồ hôi nhiều kể cả ban đêm (mồ hôi trộm);
- Rụng tóc gáy hình vành khăn;
- Trẻ ngủ quấy khóc, khó ngủ, nôn trớ, hay giật mình;
- Trẻ chậm phát triển vận động: chậm lẫy, chậm bò, chậm ngồi, chậm đi;
- Thóp chậm liền, bờ thóp mềm, bướu trán, bướu đỉnh;
- Chậm mọc răng, răng hay bị sâu, răng mọc lộn xộn;
- Lồng ngực hình ức gà, chuỗi hạt sườn;
- Vòng cổ chân, vòng cổ tay, xương chi cong;
- Xương sọ mềm, dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau, hoặc một bên;
- Đối với còi xương cấp có thể gặp: tiếng thở rít thanh quản, cơn khóc lặng, có thể co giật do hạ canxi máu.
Bệnh còi xương ở trẻ có thể gây ra những hệ lụy như:
- Chậm tăng trưởng chiều cao, suy dinh dưỡng thấp còi;
- Lồng ngực biến dạng, gù vẹo cột sống khiến chức năng hô hấp bị hạn chế;
- Chân tay cong, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X);
- Khung xương chậu hẹp, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của bé gái;
- Hệ thần kinh, cơ bị ảnh hưởng do bị xương chèn ép;
- Chậm tăng trưởng chiều cao, nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến giống nòi;
- Loãng xương và nguy cơ gãy xương khi trưởng thành;
- Suy giảm hệ miễn dịch khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất là viêm phổi làm tăng khả năng tử vong.
Cách phòng và điều trị còi xương
- Trong thời gian mang thai, người mẹ nên tắm nắng bằng cách đi dạo ngoài trời để tiếp nhận vitamin D, đồng thời ăn uống đủ chất để phòng tránh đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai.
- Trẻ sau khi sinh cần được bú mẹ ngay, cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ 6 tháng trở lên bắt đầu cho ăn bổ sung, chú ý cho thêm dầu, mỡ, rau xanh, thực hiện tô màu bát bột.
- Phòng ở của trẻ cần thoáng mát có nhiều ánh sáng. Ngay từ tháng đầu sau đẻ cả mẹ và con cần được tắm nắng, chú ý không để trẻ bị nhiễm lạnh hoặc quá nóng, chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trẻ lớn hơn có thể tắm nắng buổi sáng, thời gian tăng dần từ 5-20 phút
- Đối với những trẻ ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trẻ đẻ thấp cân (dưới 2500g) thì từ tuần thứ hai nên cho uống vitamin D với liều 400 đơn vị/ngày, uống liên tục trong năm đầu.
- Nếu trẻ bị còi xương thì cho uống vitamin D liều lượng 2000-4000 đơn vị/ngày kéo dài 6-8 tuần. Tránh dùng vitamin D liều cao dễ gây ngộ độc cho trẻ như trẻ buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, táo bón,…
- Trẻ còi xương do thiếu vitamin D thường thiếu cả canxi, cần co trẻ uống thêm canxi 0,5-1g/ngày, kéo dài 2-3 tuần.
- Ngoài ra cũng cần cho trẻ tắm nắng kết hợp với chế độ ăn đủ protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả điều trị còi xương.
Trẻ bị còi xương suy dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng tránh được và ít tốn kém. Hy vọng rằng qua bài viết này, các mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để trang bị thêm cho mình những kiến thức về dinh dưỡng đầy đủ giúp mẹ chăm sóc bé một cách tốt nhất.
Tô Thảo – Phòng Điều dưỡng.
————————————————————————————-
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh