Bệnh lý tim mạch và các biến chứng đang là vấn đề sôi nổi của xã hội hiện nay, bệnh có xu hướng trẻ hóa so với trước. Việc chẩn đoán bệnh và biến chứng đa phần dựa vào triệu chứng và thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp cấp cứu tim mạch cần một phương tiện khách quan giúp tiên lượng bệnh là Điện tâm đồ.
- Điện tâm đồ là gì?
Điện tâm đồ viết tắt là ECG, là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim. Khi tim hoạt động, tim co bóp sẽ phát ra các biến thiên của dòng điện, lúc này điện tâm đồ là một đường cong có chức năng ghi lại các biến thiên đó. Thông qua đọc điện tim, ta có thể biết được khả năng tống máu của tim, biết được nhịp điệu và tốc độ của tim.
Điện tâm đồ hay ECG (Electrcardiography) là biểu đồ (đồ thị tuần hoàn) ghi hoạt động điện được phát ra từ tim trong hoạt động co bóp. Điện lực đó phát ra rất nhỏ, chỉ tính bằng milivon nên rất khó ghi nhận lại. Cho đến năm 1903, Einthoven mới lần đầu ghi được điện lực của tim bằng một điện kế có đủ mức nhạy cảm.
Ngày nay, người ta chế ra rất nhiều loại máy ghi điện tim điện tử và mức độ tiện lợi cao. Các máy đó có bộ phận khuếch đại bằng thiết bị vi điện tử và ghi điện tâm đồ trực tiếp lên giấy.
- Điện tâm đồ áp dụng cho những trường hợp nào?
- Đo điện tim được áp dụng cho tất cả đối tượng bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả người khỏe mạnh lẫn người đang gặp vấn đề về sức khỏe. Trong thăm khám sức khỏe định kỳ đây là chỉ định thường quy ai cũng cần phải thực hiện.
- Ngoài ra điện tâm đồ còn được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Chẩn đoán tình trạng rối loạn nhịp tim;
- Người đang gặp phải các cơn đau tim do bệnh lý mạch vành;
- Người trên 55 tuổi có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý tim mạch như: tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, thừa cân béo phì, uống nhiều bia rượu, trong gia đình có người thân mắc bệnh về tim mạch,…
- Kiểm tra một số bất thường ở tim như cơ tim bị giãn, dày; hở van tim, viêm màng tim, rối loạn lipid máu,… kèm theo đó là các triệu chứng cảnh báo mắc bệnh tim như đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực, mệt mỏi, ngất xỉu, chóng mặt,…
- Điện tim cũng được chỉ định trước khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật;
- Người cần thực hiện cấy ghép máy tạo nhịp tim;
- Bệnh nhân sau khi phẫu thuật thông tim, sau điều trị viêm nội tâm mạc hay nhồi máu cơ tim;
- Người đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch cần được theo dõi định kỳ trong quá trình điều trị.
- Các bước đo điện tim
- Sau đây là quy trình đo điện tâm đồ:
- Trước khi đo điện tim bệnh nhân sẽ kéo quần áo để lộ vùng tay, chân và vùng ngực, sau đó nằm ngửa trên giường bệnh;
- Bác sĩ sẽ gắn điện cực lên các vị trí cần đo là ở vùng cổ tay, ngực, cổ chân bệnh nhân;
- Tín hiệu điện tim sẽ được máy ghi lại và hiển thị theo các đường gấp khúc, bao gồm cả các sóng điện bất thường;
- Tháo điện cực và hoàn tất thủ tục đo điện tim.
- Một số lưu ý dành cho người bệnh trong quá trình đo điện tim:
- Trước khi bắt đầu vào phòng đo điện tâm đồ, bệnh nhân không tập thể dục, không hút thuốc lá để tránh làm ảnh hưởng tới kết quả;
- Trong khi đo ECG, bệnh nhân chỉ cần nằm im thư giãn, không kích động, căng thẳng vì điều này sẽ gây sai lệch kết quả đo;
- Điện cực được dính trên da sẽ không gây hại hay gây đau đớn cho người bệnh. Rất hiếm có trường hợp bị kích ứng vùng da tại vị trí áp điện cực;
- Sau khi hoàn tất quá trình đo điện tâm đồ, bệnh nhân có thể tiếp tục hoạt động bình thường trở lại.
Điện tâm đồ đặt điện cực lên ngực, cổ tay và cổ chân |
Bạn có thể thực hiện ECG kể cả khi bạn còn trẻ và không có bất kỳ dấu hiệu bệnh tim nào. Đôi khi một số bệnh lý tim mạch, ví dụ như rối loạn nhịp tim có rất ít triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu nên bạn khó nhận ra được. Điện tâm đồ là cách đơn giản, an toàn, không xâm lấn, rẻ tiền và nhanh chóng nhất để phát hiện một số bệnh lý tim mạch sớm.
Đo điện tâm đồ là xét nghiệm chẩn đoán thường quy được triển khai rộng rãi tại bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh. Nếu bạn còn nhiều thắc mắc liên quan đến đo điện tim hoặc có nhu cầu thực hiện đo điện tim thì có thể đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh hoặc liên hệ tư vấn qua các địa chỉ liên hệ dưới đây.
BS Nguyễn Thị Hiếu – Khoa Thăm dò chức năng
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh