Ho gà là gì?
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.
Phương thức lây truyền của bệnh ho gà là do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay khi phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như gia đình, trường học…
Biến chứng của ho gà
Ho gà nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Đây là nghuyên nhân tử vong thường gặp nhất. Ngoài ra các biến chứng thường gặp khác là: Biến chứng thần kinh và một số cơ quan khác của trẻ như: viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.
Phân biệt ho gà và ho thông thường
Phân biệt ho gà và ho thông thường
Đối với trẻ ho do cảm lạnh có nguyên nhân phổ biến nhất bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thì thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.
Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng vè sau càng yếu và giảm dần. Ở trẻ, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất
Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh chóng. Do đó, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ, đặc biệt là tiêm phòng vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám, xác định căn nguyên và hỗ trợ điều trị sớm.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?
Khi trẻ ho có kèm 1 trong các dấu hiệu sau:
Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài;
Ăn kém, nôn trớ nhiều;
Ngủ ít;
Thở nhanh/khó thở.
Bác sĩ CKII. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH
BỆNH VIỆN SẢN NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh