- Bất cứ thai phụ nào cũng có thể bị nhiễm độc thai nghén trong thai kỳ. Nhận biết sớm những dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén, giúp mẹ bầu có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế nguy cơ rủi ro.
- Nhiễm độc thai nghén là gì?
Nhiễm độc thai nghén là một dạng bệnh lý phát sinh trong thời kỳ thai nghén của thai phụ. Tình trạng này xuất hiện trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Thai nhi trong người mẹ bị nhiễm độc sẽ nhẹ cân, chậm phát triển,…
- Nguyên nhân gây ra nhiễm độc thai nghén
Hiện nay nguyên nhân khiến mẹ bầu nhiễm độc thai nghén vẫn chưa được làm rõ, có một số các yếu tố được xác định làm tăng nguy cơ ở các mẹ bầu gồm:
- Làm việc mệt mỏi, quá sức trong thời kỳ mang thai.
- Người có thể trạng béo phì.
- Thai phụ sử dụng những loại thực phẩm dễ gây dị ứng, ngộ độc.
- Trong người mắc các bệnh lý như viêm loét dạ dày, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp.
- Thời tiết thay đổi.
- Những dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén
- Phù chân
Hiện tượng phù chân thường diễn ra ở thời điểm 3 tháng cuối của thai kỳ. Thai phụ có thể tự phát hiện bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân của mình, sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Với những trường hợp phù nặng có thể xuất hiện ở mặt và cả hai bàn tay.
- Tăng cân quá nhanh trong thai kỳ
Thai phụ bị nhiễm độc thai nghén còn có hiện tượng tăng cân rất nhanh. Một tuần bà bầu có thể tăng tới 500gr. Nguyên nhân là do cơ thể bị giữ nước.
- Protein niệu
Nếu kết quả xét nghiệm protein niệu cho thấy nồng độ lớn hơn 0,3g/lít, thai phụ sẽ được theo dõi nhiễm độc thai nghén.
- Tăng huyết áp
Ở những tháng cuối thai kỳ, khi phát hiện dấu hiệu huyết áp tăng lên từ 15 đến 30mmHg so với trước khi mang thai, thai phụ cần được theo dõi cẩn thận và hỗ trợ điều trị nhiễm độc thai nghén để phòng ngừa tiền sản giật và sản giật.
Ảnh: Tăng huyết áp khi mang thai cần hết sức cẩn trọng.
- Tiền sản giật
Tình trạng này có thể xảy ra trước khi sinh. Sản phụ bị choáng váng, mắt mờ, buồn nôn, phù hai chi dưới, tiểu ít, huyết áp có thể tăng cao. Khi có những biểu hiện này, thai phụ cần nhập viện càng sớm càng tốt để được bác sĩ theo dõi và có biện pháp xử trí kịp thời.
- Sản giật
Sản giật có thể xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ, trong khi chuyển dạ hoặc sau sinh. Sản giật khiến cho thai phụ bị co giật mạnh, mắt đảo rồi giật, toàn cơ thể co cứng, đầu ưỡn ra sau, …
Ảnh: Phù chân là một trong những dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén
- Cách phòng ngừa nhiễm độc thai nghén
Thai phụ đi khám định kỳ phát hiện dấu hiệu bất thường thì phải xử lý ngay. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần đề phòng biến chứng sản giật khi bị nhiễm độc thai nghén. Biện pháp phòng ngừa như sau:
- Theo dõi sức khỏe thường xuyên, đi khám đúng hẹn, gặp dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay để nhanh chóng được giải quyết.
- Gặp bác sĩ chuyên khoa nếu phát hiện bị phù nề hay tăng huyết áp.
- Làm theo sự hướng dẫn và điều trị trực tiếp từ các bác sĩ chuyên khoa.
- Ăn uống đầy đủ, cân bằng chất dinh dưỡng.
- Để có một thai kỳ an toàn, đảm bảo sức khỏe mẹ và sự phát triển của thai nhi, bà bầu cần khám thai định kỳ, làm xét nghiệm nước tiểu, đo huyết áp trong mỗi lần khám thai; có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; khi thấy có những dấu hiệu bất thường nói trên cần đi khám và xin tư vấn của bác sĩ nhé!.
Nguyễn Thị Hưng – Phòng KHTH
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh