Tăng động giảm chú ý là một rối loạn sinh học thần kinh, đặc trưng bởi giảm tập trung chú ý rõ rệt kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế.
1. Các biểu hiện giảm chú ý:
- Khó duy trì chú ý được lâu so với trẻ cùng tuổi.
- Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài.
- Không cẩn thận, không tập trung tỉ mỉ, hay gây sai sót.
- Ít tuân theo hướng dẫn, ít hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, bài vở
- Hay làm mất, bỏ quên đồ dùng, đồ chơi.
- Hay bỏ dở việc này để sang làm việc khác.
- Né tránh, không thích các hoạt động đòi hỏi nỗ lực tư duy.
- Khó khăn tổ chức hoạt động.
2. Các biểu hiện tăng hoạt động:
- Hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên
- Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo, hoặc rời khỏi chỗ ở nơi cần phải ngồi yên.
- Khó khăn khi chơi hoặc tham gia hoạt động tĩnh.
- Nói quá nhiều.
- Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi.
- Khó khăn khi phải chờ đợi.
- Ngắt quãng, chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác.
Ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý: Các biểu hiện trên phải kéo dài trên 6 tháng, xuất hiện trước 12 tuổi, xảy ra cả ở nhà, trường học và nơi công cộng.
Đồng thời rối loạn này cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ của trẻ.
Ảnh: Trẻ tăng động giảm chú ý thường có khả năng tập trung rất kém
3. Nguyên nhân:
Hiện nay, nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý chưa được xác định rõ. Một số yếu tố có thể tác động:
Yếu tố sinh học: di truyền, bệnh lý của mẹ khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh, sinh non, sử dụng một số thuốc.
Yếu tố môi trường:
- Môi trường sống không ổn định: chật chội, đông đúc, ồn ào.
- Căng thẳng tâm lý trong gia đình.
- Xem tivi, chơi điện tử, dùng Internet quá nhiều.
- Một số yếu tố độc hại do ô nhiễm môi trường.
Ảnh: Xem tivi nhiều và không đúng cách ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần của trẻ
4. Hướng dẫn cha mẹ chăm sóc trẻ:
- Luôn đưa ra những quy tắc cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn. Trẻ cần hiểu rõ chính xác cha mẹ mong muốn gì ở mình
- Hãy giao việc cho trẻ, điều này giúp trẻ có cảm giác về trách nhiệm và nâng cao lòng tự trọng của trẻ.
- Lập một danh sách những việc phải làm để giúp trẻ ghi nhớ.
- Thói quen là điều đặc biệt quan trọng với trẻ. Hãy đặt ra thời gian biểu nhất định về giờ ăn, giờ làm bài tập, giờ xem TV, giờ đi ngủ và giờ thức dậy. Hãy luôn tuân thủ theo thời gian biểu.
- Tìm điểm mạnh của trẻ (vẽ, toán, kỹ năng vi tính…) để khuyến khích trẻ.
- Chấp nhận một số hạn chế của trẻ để thông cảm, tránh chế giễu trẻ.
- Thường xuyên nói với trẻ rằng bạn yêu và luôn sẵn sàng giúp đỡ trẻ.
- Tạo cho trẻ chú ý nghe nhìn khi bạn nói.
- Nên cho trẻ chơi trò chơi tĩnh đòi hỏi tư duy, tránh chơi game điện tử, trò chơi bạo lực.
- Cho trẻ tham gia thể dục, thể thao vừa sức.
- Luôn nhắc trẻ luật lệ, nội quy trước khi đến nơi công cộng.
- Nếu trẻ mắc lỗi cần kiên trì nhắc nhở, giải thích, kiểm soát hành vi. Nếu không sửa lỗi có thể phạt bằng hình thức phù hợp như mất quyền lợi, thời gian tách biệt… Tránh đánh mắng trẻ.
Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được khám, đánh giá và lập kế hoạch điều trị.
Đăng ký khám: Phòng khám Tâm bệnh – Khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Ninh
Thu Huyền – Khoa Nội nhi tổng hợp.
—————————————————————————————————
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh