- Giới thiệu
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa, qua đường tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân hoặc chất nôn của trẻ bị bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch, bệnh xảy ra quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi
Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Entrovirus 71 (EV71)
Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông gối.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dễn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71
Hình ảnh tổn thương da và niêm mạc trong bệnh tay chân miệng
- Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng: Các chuyên gia y tế khuyến cáo:
Đối với trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ( độ 1) trẻ chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không đi kèm sốt nhẹ thì co thể điều trị và theo dõi tại nhà. Các biện pháp chăm sóc và theo dõi gồm:
- Cách ly và kiểm soát tình trạng sốt của trẻ
Nếu trẻ sốt >=38.5 độ, cha mẹ chườm ấm cho trẻ ở vị trí nách, trán, bẹn và kết hợp với uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều: 10-15mg/kg/lần (cách nhau mỗi 4-6 giờ). Có thể kết hợp với hạ sốt Ibuprofen liều: 5-10mg/kg/lần (cách nhau mỗi 6-8 giờ).
Để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm.
Cho trẻ uống đủ nước và oresol theo nhu cầu của trẻ để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (cách pha oresol tuân thủ hướng dẫn ghi cụ thể trên bao bì). Với những trẻ có triệu chứng đi ngoài thì uống 50-100ml oresol sau mỗi lần đi ngoài.
- Vệ sinh cơ thể , chăm sóc da đúng cách
Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng dung dịch Nacl 0.9%
Bôi glycerin borat, zytee…vào vết loét 3 lần/ ngày trước khi ăn 30 phút -1 tiếng
Vệ sinh thân thể sạch sẽ, sau khi tắm bôi betadin 3%, xanh methylen chấm lên các nốt phỏng nước đề phòng nhiễm trùng da (cha mẹ chú ý khi tắm cho bé phải nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh, không chọc vỡ hay đắp lá lên nốt phỏng).
Mặc quần áo rộng rãi, vải mềm, thấm hút mồ hôi tốt
Cắt móng tay cho con để tránh trẻ ngứa gãi mạnh làm vỡ các nốt phỏng nước, gây nhiễm trùng
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ:
Nếu trẻ còn bú mẹ thì vắt sữa đổ thìa cho trẻ ăn khi trẻ đau miệng không bú được
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
Không nên ăn các thức ăn cay ,nóng, cứng
Nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ.
- Theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ
Tay chân miệng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt diễn biến rất nhanh. Do đó,khi trẻ điều trị tại nhà ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu có một trong số các dấu hiệu sau trẻ cần tái khám ngay tại cơ sở y tế:
+ Trẻ sốt trên 38.5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc sốt cao co giật.
+ Các triệu chứng kéo dài trên 7 ngày và không co dấu hiệu cải thiện.
+ Trẻ có biểu hiện giật mình, hoảng hốt,.
+ Run tay chân, đi loạng choạng.
+ Quấy khóc bất thường, khóc dai dẳng kéo dài, khóc không ra nước mắt, môi tím tái, có dấu hiệu mất nước.
+ Ngoài ra các dấu hiệu: khó thở, thở nhanh, thở nông, nôn nhiều, khó nuốt….
- Phòng bệnh tay chân miệng
Nếu ở trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành bằng các biện pháp như:
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly và tới thăm khám tại cơ sở y tế.
- Vệ sinh môi trường sống: Lau phòng ở của bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.
- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
- Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám…
ĐD Hoàng Thị Huyên – Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hóa nhi
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh