Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng từ đạm, chất béo và khoáng chất, đặc biệt sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa bò. Sữa mẹ không có các thành phần protein lạ nên sẽ không gây dị ứng cho trẻ. Chính vì thế, các bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ lớn nhanh hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc suy dinh dưỡng, còi xương hơn và thường có sức đề kháng tốt hơn so với những đứa trẻ khác.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, sau khi sinh, mẹ nên cho trẻ bú ngay để trẻ được tận hưởng dòng sữa non đầu đời giàu dinh dưỡng. Theo các bác sĩ chuyên khoa mẹ và bé, nếu cho bé bú không đúng cách có thể gây khó chịu cho cả hai mẹ con, bé có thể quấy khóc vì không uống được hoặc uống rất ít sữa mẹ, mẹ thì có thể bị căng sữa, đau rát đầu vú, và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất sữa.
Chính vì vậy, mẹ nên biết cách cho con bú đúng và phù hợp để cả hai mẹ con cùng được thoải mái và nâng cao hiệu quả bữa bú.
1. Cách bế trẻ khi cho bú:
4 điểm then chốt để bế trẻ:
- Đầu và thân trẻ nằm trên một đường thẳng;
- Toàn thân trẻ sát vào người mẹ, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ;
- Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú;
- Đối với trẻ sơ sinh, bà mẹ đỡ đầu, vai, mông của trẻ.
Bà mẹ có thể cho con bú ở nhiều tư thế khác nhau tùy theo hoàn cảnh của bà mẹ và trẻ. Dù ở tư thế nào, việc đặt trẻ và bế trẻ ở tư thế đúng và trẻ ngậm bắt vú tốt là điều quan trọng để trẻ bú hiệu quả.
Có nhiều tư thế bế trẻ: tư thế bế thông thường; tư thế bế trẻ dưới cánh tay; tư thế bế trẻ dưới cánh tay đối diện; tư thế nằm cho con bú.
2. Cách cho trẻ ngậm bắt vú:
- Đưa miệng trẻ ngậm bắt vú mẹ: Chạm vú vào môi trên của trẻ, khi miệng trẻ mở rộng đưa miệng của trẻ vào vú sao cho môi dưới của trẻ ở dưới núm vú.
- Dấu hiệu trẻ ngậm bắt vú đúng: Miệng trẻ mở rộng, ngậm sâu vào quầng vú; cằm chạm vú mẹ; môi dưới trẻ hướng ra ngoài; quầng vú ở phía trên miệng trẻ nhiều hơn ở phía dưới; lưỡi của trẻ đưa ra qua lợi dưới và ở dưới các xoang sữa và chụm quanh đầu vú. Trẻ ngậm bắt vú đúng thì khi bú sẽ không gây tổn thương da và núm vú mẹ, trẻ bú được nhiều sữa.
- Dấu hiệu trẻ ngậm bắt vú sai: Trẻ chỉ ngậm núm vú, không ngậm cả mô vú phía dưới; lưỡi của trẻ bị tụt về phía sau, ở trong miệng trẻ và không ép vào các xoang sữa được.
- Hậu quả của ngậm bắt vú sai:
Trẻ chỉ bú núm vú sẽ làm bà mẹ đau núm vú, tổn thương vú, nứt núm vú
Trẻ bú không hết sữa gây cương tức vú
Vú mẹ ứ đọng sữa do không được bú hết có thể làm giảm và ức chế việc tạo sữa
Trẻ bú không đủ lượng sữa dẫn đến tình trạng bú vặt, thời gian bữa bú kéo dài, trẻ quấy khóc, tăng cân kém.
3. Cách giữ bầu vú khi cho trẻ bú:
- Bà mẹ đặt 4 ngón tay áp vào thành ngực ở dưới vú
- Ngón tay trỏ của mẹ nâng vú
- Ngón tay cái của mẹ để ở phía trên
- Các ngón tay mẹ không nên để quá gần núm vú, không kẹp vú gọng kìm vì sẽ chặn dòng sữa chảy ra.
4. Lời khuyên cho các bà mẹ cho con bú
- Luôn giữ tâm trạng vui vẻ thoải mái
- Chọn tư thế thích hợp sao cho cả mẹ và con cảm thấy thoải mái nhất.
- Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, cố gắng cho trẻ bú ngay sau khi sinh.
- Chú ý chăm sóc đầu nhũ tránh không để đầu nhũ bị tổn thương.
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để đảm bảo cả về chất và lượng sữa.
- Ăn uống đủ dinh dưỡng.
- Hạn chế các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt…), không hút thuốc lá, không uống rượu và cà phê.
- Tránh lao động quá sức.
- Khi cho con bú nếu cần dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ, không nên tự dùng thuốc vì có thể gây nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa mẹ.
Tô Thị Thảo – Phòng Điều dưỡng.
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh