- Vi khuẩn HP là gì?
HP (Helicobacter Pylory) là 1 xoắn khuẩn gram âm, cư trú trong dạ dày người. Thực tế có tới 50% dân số trên thế giới bị nhiễm vi khuẩn này, nhưng chỉ ở 15% số người bị nhiễm HP có thể trở thành viêm loét dạ dày, tá tràng và chỉ 1% chuyển sang ung thư dạ dày. Còn lại 85% trong số họ vẫn khỏe mạnh hoàn toàn mà không bị viêm.
Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam 60 – 80% trẻ em dưới 10 tuổi bị nhiễm vi khuẩn HP.
Hình ảnh đại thể vi khuẩn HP
- Những câu hỏi cần lời đáp về HP
Các thành viên trong gia đình có người nhiễm HP có nguy cơ bị lây nhiễm không?
Đây là loại vi khuẩn có đặc tính lây nhiễm qua dịch tiết đường tiêu hoá do đó nếu trong gia đình có thói quen ăn chung mâm, dùng chung bát, cốc, thìa, đũa hoặc có thói quen bón mớm cơm cho bé thì nguy cơ lây nhiễm cao.
Có phải mọi trẻ bị đau bụng cần đi xét nghiệm tìm vi khuẩn HP không?
Không.
Lý do là vì đau bụng là một triệu chứng chứ không phải là bệnh, do nhiều căn nguyên gây ra. Ví dụ đau bụng chức năng, đau bụng do giun, do tâm lý, do biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày… Bạn cần đưa bé đi khám để bác sĩ xác định xem bé đau bụng vì nhóm nguyên nhân nào trước khi có quyết định cho bé xét nghiệm tìm HP hay không.
Khi nào thì cần cho trẻ đi tìm vi khuẩn HP?
Khi được thăm khám bởi các bác sỹ chuyên khoa. Bác sỹ quyết định phụ thuộc vào từng ca bệnh lâm sàng, các biểu hiện gợi ý như : Trẻ có loét đường tiêu hóa; Trẻ có thiếu máu thiếu sắt đã điều trị đầy đủ theo phác đồ nhưng không đáp ứng và không tìm thấy nguyên nhân nào khác; Trẻ đau bụng mạn tính gợi ý do viêm loét dạ dày, tá tràng.
- Các phương pháp tìm vi khuẩn HP
Các phương pháp xâm lấn (qua nội soi dạ dày): Sinh thiết làm mô bệnh học, test urease, nuôi cấy, PCR. Được chỉ định khi trẻ có gợi ý của bệnh viêm dạ dày – tá tràng. Thông qua nội soi bác sĩ sẽ lấy một phần niêm mạc dạ dày ở nhiều vị trí khác nhau để tìm vi khuẩn HP.
Các phương pháp không xâm lấn:
Test hơi thở: Phương pháp này chỉ làm được ở trẻ lớn đã biết nuốt nguyên viên thuốc. Nguyên tắc của phương pháp này như sau: Bệnh nhân sẽ được cho uống một loại thuốc (viên nang hoặc dung dịch) có chứa một đồng phân ít gặp của carbon là đồng phân phóng xạ C-14 hoặc không phóng xạ là C-13. Trong vòng từ 10-30 phút có thể định lượng được lượng đồng vị carbon đánh dấu trong hơi thở và điều này chỉ ra rằng có sự tồn tại của Urease (enzyme mà vi khuẩn HP tiết ra để phân hủy Urea trong dạ dày và gây độc niêm mạc dạ dày) trong dạ dày và do đó nhận biết có sự hiện diện của vi khuẩn HP.
Tìm kháng nguyên HP trong phân, tìm kháng thể trong nước tiểu và nước bọt, tìm kháng thể trong huyết thanh (xét nghiệm máu). Mỗi phương pháp có độ đặc hiệu, độ nhạy khác nhau. Xét nghiệm máu chỉ dùng để nghiên cứu chứ không dùng để xác định tình trạng hiện tại và giúp cho điều trị.
Xét nghiệm phân và hơi thở nhằm xác định có hay không nhiễm HP ở thời điểm hiện tại, và theo dõi kết quả điều trị diệt HP.
Sinh thiết dạ dày và các test hơi thở, phân… chỉ thực hiện khi ngừng tất cả các thuốc liên quan tới dạ dày (các thuốc giảm tiết acid ít nhất 2 tuần (nhóm PPI như omeprazole, esomeprazole…, các kháng sinh ít nhất 4 tuần) nếu không sẽ cho kết quả không chính xác (âm tính giả).
Khi nào xác định chắc chắn bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày?
Chẩn đoán nhiễm HP khi trẻ có 1 trong các tiêu chuẩn sau:
Mô bệnh học có HP và urea test dương tính hoặc nuôi cấy mảnh sinh thiết dạ dày có vi khuẩn HP. Nếu chỉ có 1 trong 2 xét nghiệm mô bệnh học và urea test dương tính cần tiến hành làm thêm test thở hoặc tets kháng nguyên trong phân nếu 1 trong 2 test đó dương tính thì chẩn đoán bệnh nhân có nhiễm HP.
- Nội soi dạ dày có nguy hiểm và phức tạp không?
Hiện nay tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh hệ thống nội soi dạ dày trẻ em đã được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2016 nhằm phục vụ nhu cầu khám điều trị bệnh lý tiêu hoá trẻ em hiệu quả và chính xác.
Thực tế việc nội soi dạ dày diễn ra không hề đáng sợ như các bố mẹ nghĩ, nó là biện pháp an toàn, hiệu quả, tiết kiệm và cho kết quả chính xác.
Hình ảnh: Đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Sản Nhi đang nội soi dạ dày cho trẻ
Nội soi dạ dày là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng và giúp ích cho việc tìm căn nguyên gây bệnh. Chuẩn bị nội soi dạ dày trẻ cần nhịn ăn trước đó 8h-10h, trẻ được thăm khám bởi bác sỹ chuyên khoa Nhi, chuyên khoa Gây mê hồi sức trước khi tiến hành nội soi bằng cách đưa một ống soi nhỏ, mềm qua đường miệng vào trong đường tiêu hoá nhằm quan sát thực quản, dạ dày, hành tá tràng, tá tràng. Trong quá trình nội soi bác sỹ có thể lấy một mảnh nhỏ niêm mạc dạ dày để phục vụ cho việc xét nghiệm. Nội soi diễn ra trong khoảng 30 phút trẻ sẽ được gây mê để tuy nhiên trẻ sẽ được theo dõi sau nội soi 1h-2h cho đến khi đảm bảo an toàn.
Tóm lại vi khuẩn HP là vi khuẩn cư trú ở đường tiêu hoá với khả năng lây nhiễm cao. Không phải tất cả các trẻ đau bụng cần xét nghiệm tìm HP. Các phương pháp xác định nhiễm HP tại dạ dày đơn giản dễ thực hiện. Tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh Nội soi dạ dày là xét nghiệm thường quy, an toàn, hiệu quả, nó tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu có thắc mắc cần được tư vấn mời Quý phụ huynh liên hệ theo các cách sau để được hỗ trợ:
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh
Ths. Bs Nguyễn Thị Linh – Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hoá nhi