Khoảng thời gian từ khi chào đời đến khi bé được 3 tháng tuổi, cơ thể và hệ thống thần kinh của trẻ sẽ làm quen dần với thế giới bên ngoài bụng mẹ. Vì vậy sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này được bố mẹ đặc biệt quan tâm.
- Giai đoạn 1 tháng tuổi
Trong giai đoạn 1 tháng sau sinh, cơ thể trẻ vẫn còn rất non yếu, cấu tạo và chức năng của các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện đầy đủ.
- Một số hiện tượng sinh lý có thể xảy ra trong giai đoạn này như: vàng da sinh lý, bong da sinh lý, sụt cân sinh lý,…Thông thường trẻ sẽ rụng rốn 7-10 ngày sau sinh, trẻ đi ngoài phân xu và một số trẻ thân nhiệt có thể chưa ổn định.
- Một số bệnh lý có thể gặp: cơ thể trẻ vẫn còn non yếu, do đó trẻ dễ bị mắc bệnh và thường có diễn biến phức tạp. Một số bệnh lý thường gặp trong giai đoạn sơ sinh như uốn ván rốn, viêm rốn, viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng khác,…
- Sự phát triển về thể chất, tâm thần và vận động:
Cân nặng của trẻ có thể tăng từ 700gr trở lên trong tháng đầu tiên.
Thóp trước của trẻ thường có kích thước của mỗi chiều trung bình 2cm. Đối với trẻ đẻ non sẽ có kích thước lớn hơn. Thóp sau có hình tam giác và thường kín ngay sau đẻ.
Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều tới 22-23 tiếng/ ngày.
Trẻ nhận biết được mùi sữa mẹ, do đó trẻ có thể tìm vú của mẹ. Trẻ biết nhìn ánh sáng không di động, biết nhìn theo mẹ.
Trong 1 tháng đầu tiên chỉ có những cử động tự phát, không có ý thức.
- Giai đoạn 2 tháng tuổi
Em bé 2 tháng tuổi bắt đầu có nhu cầu khám phá nhiều hơn đối với những sự vật hiện tượng diễn ra hàng ngày.
Ở giai đoạn này một số hiện tượng sinh lý như vàng da có thể vẫn còn. Trẻ vẫn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như ở giai đoạn sơ sinh do cơ thể vẫn còn non yếu.
- Sự phát triển về thể chất, tâm thần và vận động:
Cân nặng: trung bình bé gái 2 tháng tuổi có cân nặng là 5,1 kg và bé trai có cân nặng là 5,5 kg.
Trẻ sơ sinh ở tuần thứ 8 tăng trưởng hoàn toàn nhờ vào nguồn sữa ăn vào, dù là sữa mẹ hay sữa công thức. Ở giai đoạn này nhu động ruột của trẻ giảm dần nên hiện tượng nôn trớ sinh lý cũng sẽ giảm dần, ruột trẻ cũng to lên do đó một số trẻ có thể không đại tiện từ 1-2 ngày.
Trẻ 2 tháng tuổi thường ngủ từ 16-18 tiếng/ngày. Trẻ có thể ngủ rải rác trong ngày và giấc ngủ ban đêm sẽ kéo dài nhất từ 8-10 tiếng. Tuy nhiên trẻ sẽ thức dậy và bú mẹ/bú bịch.
Tròn 2 tháng tuổi, bố mẹ có thể nhận thấy bé thường xuyên thực hiện các động tác đơn giản như: quơ tay, duỗi chân, đá mạnh hai chân…Bé đã có thể tập trung nhìn theo bố mẹ, phản ứng lại khi bố mẹ trò chuyện hay nô đùa.
- Giai đoạn 3 tháng tuổi
Cân nặng: trẻ 3 tháng tuổi có cân nặng dao động khoảng 5,2kg – 6,6kg với bé gái và 5,7kg – 7,2kg với bé trai.
Về khả năng vận động: Cơ thể trẻ 3 tháng tuổi đã cứng cáp hơn trước nên đã có khả năng nâng đầu lên cao một góc 45 độ khi nằm sấp. Đồng thời, trẻ còn có thể linh hoạt điều khiển bàn tay để với lấy đồ vật, cầm nắm đồ chơi, bé thường xuyên chu môi, nhóp nhép miệng, chảy nước dãi …Trong giai đoạn này, bé đã có thể “nói chuyện” với bố mẹ bằng cách bập bẹ, ê a để đáp lại những gì bé nghe được, thậm chí bật cười thành tiếng khi trò chuyện hoặc chơi đùa cùng bố mẹ. Giai đoạn này một số bé đã lẫy rất giỏi và thường xuyên có xu hướng lật người để lẫy.
Nguyễn Thanh Loan – Phòng KHTH
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh