- Tổng quan
- a. Khái niệm:
- Đẻ non là những trẻ sinh có tuổi thai từ tuần 22 đến trước 37 tuần thai, có khả năng sống.
- Đẻ non là một hiện tượng toàn cầu, gặp không chỉ ở những nước kém và đang phát triển, mà cả ở những nước kinh tế phát triển, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật ở trẻ nhỏ , đặc biệt ở trẻ sơ sinh, mang đến nhiều gánh nặng và thách thức trong chăm sóc y tế toàn cầu.
b. Mức độ:
Theo định nghĩa của WHO, trẻ đẻ non được chia theo 3 mức độ:
- Sinh non: trẻ sinh ra giữa tuần thứ 32 và 37, đa số trẻ sống sót, có thể phải nhờ vào chăm sóc hỗ trợ.
- Rất non: trẻ sinh ra giữa tuần thứ 28 và 32, những trẻ này cần nhiều chăm sóc hỗ trợ hơn và phần nhiều trong số đó vẫn sẽ có thể sống sót.
- Cực non: trẻ sinh ratrước tuần thứ 28, những trẻ này cần thiết điều trị tích cực để sống sót. Ở những nước phát triển, những trẻ cực non có 90% cơ hội sống sót dù chúng phải chịu những di chứng sau này. Ở những nước kém phát triển, cơ hội sống sót chỉ khoảng 10%.
- Nguy cơ, biến chứng của trẻ trẻ đẻ non:
- Nguy cơ sớm:
- Hạ thân nhiệt, hạ đường huyết (Hypothermia, Hypoglycemia): Tăng nguy cơ bệnh nặng và tăng tỷ lệ tử vong.
- Các vấn đề hô hấp :
- Hội chứng suy hô hấp cấp (Respiratory Distress Syndrome): Do phổi sản xuất thiếu chất surfartant, làm giãn nở phổi.
- Chứngngừng thở ở trẻ sinh non (Apnea of prematurity): Trẻ ngừng thở trong vòng 15 đến 20 giây hoặc hơn, nó có thể diễn ra cùng lúc với chứng chậm nhịp tim.
- Loạn sản phế quản phổi (Bronchopulmonary dysplasia):Bệnh xuất hiện ở trẻ sinh non phải thở máy kéo dài. Trẻ mắc bệnh này thường có nguy cơ mắc bệnh về phổi cao hơn trẻ em bình thường khác và đôi khi có thể bị tổn thương phổi.
- Nhiễm khuẩn (Infections): Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ sinh non dễ bị nhiễm khuẩn hơn nhiều so với những đứa trẻ khỏe mạnh khác.
- Viêm ruột hoại tử (Necrotizing enterocolitis): Bệnh này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ruột non của trẻ. Khi trẻ mắc bệnh này, đồng nghĩa với việc nhu mô ruột bị tổn thương hoặc bắt đầu hoại tử.
- Còn ống động mạch (Patent ductus arteriosus): Cấu trúc ống động mạch (một mạch nối động mạch phổi với phần động mạch chủ đi xuống) không đóng được. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tăng áp phổi, suy tim sung huyết, xuất huyết phổi, viêm ruột, xuất huyết não…
- Vàng da (Jaundice): Vàng da ở trẻ đẻ non thường nhiều và kéo dài hơn so với trẻ đủ tháng. Vàng da do sự tích tụ bilirubin trong máu. Điều này cho thấy gan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện hoặc hoạt động không bình thường.
- Chảy máu não (Intraventricular hemorrhage): Trẻ càng sinh non, tỷ lệ mắc bệnh càng cao.
- Thiếu máu(Anemia): Trẻ sinh non nằm trong những đơn vị chăm sóc đặc biệt phải lấy máu thường xuyên để theo dõi sức khỏe, dự trữ dinh dưỡng , khả năng tổng hợp chất yếu, dẫn đến việc chúng không thể tái tạo lại đủ, kịp thời lượng máu đã mất gây nên thiếu máu. Thiếu máu gây nên bão hòa oxy và nồng độ glucose trong máu thấp, làm cho các cơ quan trong cơ thể trẻ không thể hoạt động ổn định.
- Bệnh võng mạc trẻ sinh non (Retinopathy of prematurity- ROP): Là chứng rối loạn thị lực – thường phát triển ở cả hai mắt – là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị giác ở trẻ em và có thể dẫn đến suy giảm thị lực suốt đời và mù lòa.
- Nguy cơ muộn:
Ngoài những nguy cơ sức khỏe sau sinh, trẻ đẻ non còn phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe lâu dài đến khi trưởng thành, như :
- Bại não: Bao gồm rối loạn vận động – trương lực cơ, có thể gây nên bởi nhiễm trùng, lưu lượng máu giảm hoặc chấn thương não bộ của trẻ sinh non.
- Học kém: Trẻ sinh non có nhiều khả năng tụt hậu so với các bạn đủ tháng cùng lứa tuổi.
- Vấn đề về thị lực: Bệnh võng mạc trẻ sinh non có thể gây suy giảm thị lực trong nhiều năm, thậm chí gây mù nếu không được chữa trị kịp thời.
- Vấn đề thính lực: Cho dù trẻ sinh non được kiểm tra về thính lực trước khi xuất viện, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ suy giảm thính lực về lâu dài.
- Vấn đề răng miệng: Trẻ sinh non có nguy cơ gặp các vấn đề về phát triển răng, như mọc răng chậm, răng xỉn màu và răng mọc không đúng cách.
- Vấn đề hành vi và tâm lý: Trẻ sinh non có thể có nguy cơ có một số vấn đề về hành vi hoặc tâm lý cũng như chậm phát triển trí tuệ hơn trẻ đủ tháng.
- Các vấn đề sức khỏe mãn tính: Trẻ sinh non có nhiều khả năng gặp các vấn đề sức khỏe mãn tính – một số trong đó có thể cần được chăm sóc tại bệnh viện – hơn là trẻ đủ tháng như nhiễm trùng, hen suyễn và các vấn đề về ăn uống. Trẻ sinh non cũng có nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
- Những biện pháp điều trị và chăm sóc giảm thiểu biến chứng cho trẻ đẻ non:
- Một số biện pháp phòng sinh non:
Quản lý, chăm sóc thai nghén tốt ở những thai phụ nguy cơ cao : Bà mẹ có tiền sử sinh non, thiếu cân, béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, hút thuốc, nhiễm trùng, tuổi mẹ (dưới 17 hoặc trên 40), yếu tố di truyền, đa thai và khoảng cách giữa 2 lần mang thai quá gần…
- Bổ sung progesterone: Áp dụng cho phụ nữ có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn hoặc cả hai yếu tố.
- Khâu cổ tử cung: Áp dụng cho phụ nữ có cổ tử cung ngắn hoặc có tiền sử hở eo cổ tử cung.
- Tiêm steroidtrước sinh cho những bà mẹ chuyển dạ sớm, giúp phát triển phổi thai nhi và ngăn ngừa các vấn đề hô hấp.
- Điều trị nội khoa ổn định các bệnh mạn tính của mẹ.
- Tầm soát và điều trị nhiễm trùng đường tiểu, viêm cổ tử cung…
- Một số biện pháp điều trị, hỗ trợ chăm sóc trẻ đẻ non:
- Đảm bảo thân nhiệt, đường huyết lúc mới sinh.
- Hỗ trợ sớm về hô hấp : thở oxy, thở máy, bơm Surfactant.
- Kháng sinhđể ngăn ngừa và chống nhiễm trùng, một nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
- “Kangaroo Care”– Chăm sóc kiểu Kangaroo: Trẻ sơ sinh được tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ. Giữ ấm trẻ qua hơi ấm của mẹ rất tốt cho trẻ, làm cho trẻ tiêu hóa tốt hơn, giảm ngừng thở và theo dõi trẻ dễ dàng hơn.
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Trẻ sinh càng non càng nhiều rủi ro về sức khỏe, nhiều biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong càng cao, mang lại nhiều gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho gia đình và xã hội. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nâng cao hiểu biết trong quản lý , chăm sóc thai nghén để hạn chế nguy cơ sinh non, khi có nguy cơ sinh non sẽ hạn chế được những biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cho trẻ khi chào đời, đồng thời phối kết hợp với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc điều trị để trẻ đẻ non được cứu sống , phát triển một cách bình thường như những trẻ đủ tháng.
——————————————————————————————–
BS Nguyễn Thị Thơm khoa Sơ sinh
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh