Thời điểm giao mùa xuân – hè kèm theo thời tiết nồm ẩm khiến virus RSV phát triển mạnh. Virus này gây bệnh đường hô hấp dưới và viêm phế quản phổi ở trẻ em với khả năng lây lan rất mạnh. Hiện nay tại khoa hồi sức tích cực , bệnh viện sản nhi Bắc Ninh , tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi có biểu hiện suy hô hấp . Trong đó tỷ lệ bị nhiễm RSV gặp khá nhiều , đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ (< 2 tuổi ). Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá hoang mang,lo lắng, thay vào đó hãy chủ động cập nhật kiến thức về dấu hiệu bệnh, cách phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm RSV cho trẻ, cũng như kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển nặng.
1. Những điều cần biết về virus RSV
- RSV là gì :
Virus hợp bào hô hấp được biết đến với tên gọi RSV ( Respiratory Syncytial Virus ) là 1 loại virus gây bệnh khá phổ biến ở đường hô hấp của trẻ và có khả năng lây lan rất mạnh .
- Triệu chứng khi nhiễm vi rus RSV:
virus RSV chủ yếu gây ra viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ ( < 2 tuổi ) , đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi,và trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn kém.
Triệu chứng khởi phát là : ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác.
Triệu chứng giai đoạn toàn phát : khò khè, ho nhiều, khó thở với biểu hiện thở nhanh, rút lõm lồng ngực …
- Một số trẻ dễ chuyển nặng ( suy hô hấp ) khi nhiễm RSV:
+ Trẻ sơ sinh
+ Trẻ sinh non
+ Trẻ có bệnh tim bẩm sinh
+ Trẻ bệnh phổi mạn tính và suy giảm miễn dịch
+ Trẻ bị mắc hội chứng Down, bại não
+ Hoặc những trẻ sinh gần vào mùa nhiễm RSV
Bệnh thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có nền sức khỏe tốt, và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần căn cứ theo tình trạng bệnh của từng trẻ để quyết định cho trẻ điều trị ở nhà hay nhập viện.
- Nếu trẻ có một trong những biểu hiện sau thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện ngay:
+ Sốt cao, co giật
+ Bỏ bú, kém ăn
+ Tím tái
+ Khó thở : Thở nhanh, rút lõm lồng ngực
+ Hoặc Đối tượng trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cũng nên hết sức lưu ý cho trẻ đi khám sớm để kiểm soát và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nặng cho trẻ , ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển về sau này.
2. Cách phòng tránh bệnh cho trẻ
Đến nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên có thể giảm thiểu nguy co nhiễm hoặc lây nhiễm RVS bằng cách:
+ Hạn chế tiếp xúc với trẻ bị bệnh, đeo khẩu trang nơi đông người
+ Hạn chế thơm, hôn trẻ
+ Rửa sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh, hoặc bề mặt gần người bệnh
+ Hạn chế đến nơi đông người
+ Giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ
+ Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu
+ Ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng
+ Vệ sinh mũi họng, thân thể , rửa tay thường xuyên cho trẻ
+ Khi cho trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang
+ Tránh/hạn chế tình trạng tiếp xúc khói thuốc lá thụ động.
Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc nơi đông người là một trong những biện pháp bảo vệ trẻ khỏi virus RSV và các loại virus gây bệnh khác
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng kháng sinh chữa bệnh cho con khi chưa xác định được chính xác con mắc vius RSV hay không và mức độ bệnh ra sao, dùng kháng sinh không theo chỉ định không những không có tác dụng mà còn làm chậm quá trình điều trị, gây ra nhiều hậu quả sau này cho trẻ.
BSCKI. Nguyễn Quang Thành – HSTC nhi
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh