Gần đây các ca bệnh mắc Thuỷ đậu có xu hướng gia tăng tại Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hoá nhi. Nhằm năng cao kiến thức cho cộng đồng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh thuỷ đậu cho trẻ.
Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Loại virus này là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm và lây truyền từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây chủ yếu qua đường hô hấp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được tiết ra từ đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện) hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng. Ngoài ra, thủy đậu còn lây truyền gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng. Là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não…. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Triệu chứng:
Hình ảnh nốt mụn nước thủy đậu qua từng giai đoạn( ảnh sưu tầm)
Bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn gồm:
Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 10 – 20 ngày. Người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết.
Giai đoạn phát bệnh: Thời điểm phát bệnh với những triệu chứng như sốt nhẹ ( có thể không sốt) , nhức đầu, đau cơ, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 – 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.
Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 – 13 mm( thường <5mm). Lúc đầu chứa dịch trong, sau 24h hóa đục, nhiều lứa tuổi( mụn nước xuất hiện thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 2-3 ngày). Những nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân: da đầu, tay, chân, có thể trên niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa,tiết niệu, sinh dục. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu. Một số trường hợp bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.
Giai đoạn phục hồi : Sau từ 7 – 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại.
Chăm sóc bệnh nhân thủy đậu
Là bệnh lành tính do vậy có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Để bệnh nhanh thuyên giảm và an toàn khi điều trị, một số lưu ý khi điều trị tại nhà :
Bệnh nhân cần nằm phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7- 10 ngày từ lúc phát hiện bệnh ( phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu. Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi.
Giữ bàn tay trẻ thật sạch, trẻ nhỏ cần cắt móng tay tránh gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm hoặc bằng sữa tắm có tính sát khuẩn như lactacyd… Không khuyến khích tắm lá. Mặc đồ rộng, nhẹ, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi
Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
Khi dùng thuốc điều trị: Phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
Trường hợp bệnh nhân sốt >=38.5 cha mẹ chườm ấm cho trẻ ở vị trí nách, trán, bẹn và kết hợp uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần( Cách nhau mỗi 4-6 giờ). Có thể kết hợp với hạ sốt Ibuprofen liều 5-10mg/kg/lần( Cách nhau 6-8 giờ). Cho trẻ uống đủ nước và oresol theo nhu cầu của trẻ ( Cách pha oresol tuân thủ đúng hướng dẫn ghi cụ thể trên bao bì).
Khi mụn nước bị vỡ ra, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
Bệnh thủy đậu thường gặp ở trẻ em
Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra: Khó chịu, lừ đừ,mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ… cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời.
Phòng Bệnh
Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất.
Trẻ mắc Thuỷ đậu cần được cách ly với các trẻ.
Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, giữ nhà cửa sạch sẽ thoáng mát.
Cung cấp chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý khoa học để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Hoàng Thị Huyên – Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hóa nhi
—————————————————————————————————————————————-
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh