Mang thai là khoảng thời gian ý nghĩa và hạnh phúc của người phụ nữ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có muôn vàn khó khăn, nhất là với các mẹ lần đầu mang thai. Ngoài ra, một trong những mối lo lớn nhất đó chính là nguy cơ chửa ngoài tử cung. Vậy những dấu hiệu nào để nhận biết mẹ mang thai rơi vào hoàn cảnh này.
- Khái niệm chửa ngoài tử cung.
Chửa ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau ở vòi tử cung, buồng trứng, tại ống cổ tử cung hoặc tại các vị trí khác nhau trong ổ bụng, thậm chí ngoài ổ bụng phúc mạc. Tuy nhiên, khoảng hơn 95% trường hợp chửa ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung ( 55% ở loa, 25% ở eo, 17% ở đoạn bóng và chỉ 2% đoạn kẽ).
- Nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung.
Thường do biến dạng ở vòi trứng:
- Viêm vòi trứng, nạo hút thai nhiều lần dẫn đến viêm phần phụ, sau phẫu thuật tạo hình vòi trứng làm hẹp lòng vòi trứng hoặc vòi trứng bị cứng, nhu động vòi trứng kém là các yếu tố tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung.
- Các khối u trong lòng vòi trứng, hoặc bên ngoài vòi trứng, đè ép làm hẹp lòng vòi trứng trong đó có lạc nội mạc tử cung.
- Do vòi trứng bị co thắt và có những nhu động bất thường.
- Dấu hiệu chửa ngoài tử cung.
Sau khoảng thời gian quan hệ từ 1 – 2 tuần, lúc này trứng đã được thụ tinh và đang đi xuống buồng tử cung để làm tổ. Tuy nhiên, nếu bạn có dấu hiệu mang thai nhưng khi đi khám siêu âm không thấy túi thai trong buồng tử cung thì có thể bạn đang gặp tình trạng chửa ngoài tử cung. Sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết rõ tình trạng này:
- Chậm kinh nguyệt: Đối với những phụ nữ gặp trường hợp chửa ngoài tử cung thì sẽ đến ngày kinh trễ hơn so với dự kiến, tuy nhiên cũng có thể gặp một số trường hợp ngày kinh đến sớm hoặc đúng ngày. Dấu hiệu để phân biệt chảy máu tử do thai ngoài tử cung hay kinh nguyệt bình thường là hiện tượng chảy máu kéo dài, máu có màu đen thẫm, không đông và ra ít chứ không nhiều như bình thường. Đặc biệt có một số người không bị gặp hiện tượng này.
Chậm kinh nguyệt là dấu hiệu đầu của bệnh
- Đau bụng: Những cơn đau có mức độ khác nhau lúc âm ỉ, lúc dữ dội, có khi đau đột ngột. Lúc này các mẹ cần nghĩ đến khả năng chửa ngoài tử cung.
- Xuất huyết âm đạo: Đa số các mẹ đều sẽ nhầm lẫn giữa xuất huyết âm đạo và kinh nguyệt. Đây là hiện tượng chảy máu ngay sau khi mẹ mất kinh nguyệt, xuất huyết kéo dài, máu có màu đỏ thẫm hoặc đen kèm theo những cơn đau thắt bụng dưới hoặc đau vùng hố chậu. Tuy nhiên có một số trường hợp chửa ngoài tử cung mà không bị xuất huyết. Chảy máu lâu ngày kéo dài gây mất máu, mệt mỏi, tụt huyết áp.
- Nồng độ HCG tăng không tương xứng tuổi thai: Nồng độ HCG là hormone do nhau thai tiết ra, khi mang thai thì nồng độ này sẽ tăng dần đều với tuổi thai. Tuy nhiên nếu HCG tăng không tương xứng thì có thể là một số dấu hiệu của hiện tượng chửa ngoài tử cung.
Một số hình ảnh báo hiệu chửa ngoài tử cung
- Các trường hợp có nguy cơ mắc.
+ Phụ nữ trên 35 tuổi có khả năng cao gặp tình trạng này.
+ Tiền sử phẫu thuật vùng xương chậu, cơ quan sinh dục hay nạo phá thai nhiều lần.
+ Lạc nội mạc tử cung.
+ Lạm dụng chất kích thích.
+ Bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như: giang mai, lậu,…
+ Tiền sử thai ngoài dạ con, ống dẫn trứng bị hẹp bẩm sinh hay có thẹo do phẫu thuật.
- Điều trị chửa ngoài tử cung.
Hiện nay Bệnh viện Sản – Nhi là chuyên khoa đầu nghành trong tỉnh về lĩnh vực phụ khoa, đã điều trị thành công hàng nghìn trường hợp chửa ngoài tử cung và mang lại cuộc sống cho người bệnh trở lại.
Với 2 phương pháp Khoa Phụ đang điều trị :
+ Điều trị nội khoa
- Điều kiện: khối chửa có kích thước dưới 3.5cm ( qua siêu âm)
- Không có hoạt động của tim thai, phôi thai ( qua siêu âm )
- Công thức máu, đông máu bình thường
- Nồng độ Beta HCG < 5000mIU/ml
- Liều dùng tiêm bắp 01 mũi thuốc Methotrexat (MTX) 50mg.
- Sau khi tiêm xong bệnh nhân sẽ theo dõi sát dấu hiệu như: chỉ số công thức máu, Beta HCG ( ngày thứ 4 và 7 sau tiêm), siêu âm….
+ Phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung.
- Bệnh nhân có dấu hiệu mất máu, khối chửa rỉ máu, có dịch cùng đồ
- Các trường hợp mắc bệnh nội khoa như: suy thận, suy giảm miễn dịch, Beta HCG > 5000mIU/ml
- Khối chửa to >3.5cm, có phôi thai, tim thai
- Trường hợp thất bại khi điều trị nội khoa tiêm Methotrexat (MTX)
Ảnh tập thể khoa Phụ-Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh
Một số hình ảnh chửa ngoài tử cung được phẫu thuật nội soi tại BV Sản – Nhi
- Biện pháp phòng ngừ chửa ngoài tử cung.
Không thể phòng ngừa thai ngoài tử cung hoàn toàn nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Thường xuyên vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục và sau sinh nở để phòng tránh viêm nhiễm âm đạo và đường sinh dục. Có thể dùng các dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
- Tích cực điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
- Hạn chế nạo phá thai.
- Phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông qua việc quan hệ tình dục an toàn và sử dụng bao cao su.
- Đi khám phụ khoa định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường để sớm phát hiện và điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm hoặc bất thường đường sinh dục.
- Xây dựng chế độ sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Nên thử thai sớm khoảng 2 tuần sau khi chậm kinh để có thể kịp thời phát hiện thai ngoài tử cung, xử trí kịp thời làm giảm nguy cơ tử vong mẹ và biến chứng.
Nguyễn Thị Ngọc – Phòng KHTH
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh