- Phương pháp đo chức năng hô hấp là gì?
Đo chức năng hô hấp hay còn gọi là hô hấp ký là kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá mức độ của các bệnh lý đường hô hấp. Khi tiến hành đo chức năng hô hấp, các bác sĩ sẽ sử dụng máy đo các dòng khí khi hít vào, thở ra để tính toán được nhiều chỉ số chức năng phổi quan trọng. Kỹ thuật này không chỉ giúp ghi lại những thông số liên quan đến hoạt động của phổi, mà còn giúp đánh giá 2 hội chứng rối loạn thông khí ở người bệnh là tắc nghẽn và hạn chế.
Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật thăm dò khá đơn giản, dễ dàng thực hiện và không xâm lấn nên bệnh nhân sẽ không bị đau đớn và hầu như không gây khó chịu hay tai biến.
- Mục đích của đo chức năng hô hấp
Kết quả đo chức năng hô hấp hay hô hấp ký sẽ được thể hiện bằng số liệu cụ thể và bằng phần trăm so với giá trị của một người bình thường. Các trị số đo được của chức năng hô hấp ở người bệnh sẽ được biểu diễn dưới dạng một đường cong trong đó một trục thể hiện các số đo về lưu lượng khí lưu thông, trục còn lại thể hiện các số đo của các thể tích khí có trong phổi.
Mục đích của đo chức năng hô hấp là để biết được thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi ở người bệnh, động thời giúp đánh giá mức độ tắc nghẽn và mức độ trầm trọng của giãn phế nang.
Ngoài ra, tiến hành đo chức năng hô hấp còn nhằm mục đích đánh giá chuẩn xác tình trạng bệnh lý của phổi hay theo dõi đáp ứng hiệu quả điều trị ở người bệnh.
- Quy trình đo chức năng hô hấp
Phương pháp này sử dụng thiết bị chuyên dụng, cần được thực hiện bởi người có kinh nghiệm và hiểu rõ cách sử dụng. Người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra chính xác nhất.
Quá trình đo hô hấp ký được tiến hành với các bước cơ bản bao gồm:
Trước tiên bệnh nhân sẽ được đo chiều cao, cân nặng.
Bệnh nhân được hướng dẫn ngồi trên ghế với tư thế thoải mái nhất.
Bác sĩ sẽ kẹp mũi của bệnh nhân bằng một chiếc kẹp mềm, đảm baroo không khí không bị thoát ra ngoài theo đường mũi.
Bệnh nhân đo chức năng thông khí theo 2 động tác chính:
- Động tác thứ nhất: hít vào thở ra bình thường, sau đó được yêu cầu hít sâu thật hết sức, rồi thở ra thật hết sức.
- Động tác thứ 2: hít vào thở ra bình thường, rồi sau đó được yêu cầu hít vào thật hết sức và thổi ra thạt nhanh, mạnh, hết sức có thể và tiếp tục duy trì thở ra cho đến khi ít nhất 6 giây.
- Quá trình đo này cần được lặp đi lặp lại ít nhất 3 lần để đảm bảo kết quả nhận được là đáng tin cậy.
Sau khi thực hiện hít thở qua ống đo, máy tính sẽ tính toán rồi đưa ra giá trị các thông số đo được.
Nếu như phát hiện bất thường trên kết quả ban đầu, bệnh nhân có thể được yêu cầu làm thêm test hồi phục phế quản.
- Đo chức năng hô hấp có rủi ro hay tác dụng phụ không?
Đo hô hấp ký là một xét nghiệm khá đơn giản và gần như an toàn tuyệt đối. Một số người có thể cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu, run rẩy, ốm yếu hoặc mệt mỏi trong một thời gian ngắn sau khi thực hiện xét nghiệm do lo lắng quá mức.
Đa số mọi người có thể thực hiện đo hô hấp ký một cách an toàn. Tuy nhiên, xét nghiệm này có thể làm tăng áp lực bên trong đầu, ngực, dạ dày và mắt khi người bệnh thở ra. Vì vậy hô hấp ký cũng có chống chỉ định, bác sĩ thăm khám trước khi cho chỉ định sẽ xem xét tình trạng sức khỏe có chống chỉ định không.
Một số chống chỉ định của đo chức năng hô hấp hay hô hấp ký được các bác sỹ xem xét như sau:
- Tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi.
- Người bệnh có ống nội khí quản, mở khí quản.
- Bất thường giải phẫu, bỏng vùng hàm mặt.
- Tổn thương phổi có nguy cơ biến chứng khi làm hô hấp ký: Kén khí lón của phổi, ho ra máu nhiều, áp xe phổi…
- Tình trạng tim mạch không ổn định: Nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu phổi, tụt huyết áp, suy tim mất bù…
- Mới phẫu thuật ngực, bụng trong vòng 4 tuần
- Tăng áp lực nội sọ/nội nhãn do: u não, phẫu thuật não trong vòng 4 tuần, phẫu thuật mắt trong vòng 1 tuần
- Chấn thương vùng hàm mặt, lồng ngực
- Mang thai những tháng cuối
- Bệnh nhân không hợp tác: rối loạn tâm thần, giảm thính lực, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi…
- Lao phổi tiến triển.
- Lưu ý trước khi đo chức năng thông khí
- Không ăn quá no, vận động gắng sức nặng trước khi đo.
- Không uống rượu, hút thuốc lá trong 1-4h trước khi đo
- Nới lỏng quần á, khăn quàng…
- Đối với trường hợp đo hô hấp ký để chẩn đoán bệnh lần đầu tiên: không sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi đo: 6 giờ nếu là loại tác dụng ngắn; 12 giờ nếu là loại tác dụng kéo dài, 24 giờ nếu là loại uống như theophyllin.
Đo chức năng hô hấp là một xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lý hô hấp. Thực hiện nghiêm túc các việc cần chuẩn bị trước khi đo hô hấp ký giúp mang lại kết quả hoàn hảo về chẩn đoán và điều trị.
Nếu bạn còn nhiều thắc mắc liên quan đến Thăm dò chức năng hô hấp hoặc có nhu cầu thực hiện Thăm dò chức năng hô hấp thì có thể đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh hoặc liên hệ tư vấn qua các địa chỉ liên hệ dưới đây.
Nguyễn Thị Hiếu – Khoa TDCN
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh