Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em, gây ra tình trạng cơ thể mất muối, mất nước. Sự cân bằng muối và nước rất quan trọng để cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Trong một số trường hợp, mất nước sẽ gây nguy hiểm, đặc biệt trên trẻ nhỏ do khó nhận biết được các dấu hiệu mất nước. Thuốc uống bù nước và điện giải không điều trị tiêu chảy nhưng giúp thay thế muối và nước đã mất, do đó giảm tác động của tình trạng cơ thể mất nước.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc bột uống; viên nén sủi bọt.
Thành phần gồm có muối natri, kali và glucose hoặc carbonhydrat khác (như bột gạo hoặc sacarose).
Công thức chi tiết và hàm lượng thay đổi tùy theo nhà sản xuất.
Ngoài những thành phần trên một số nhà sản xuất còn thêm phụ liệu hương vị cam, chanh để giúp trẻ em không cảm thấy buồn nôn khi dùng, dễ uống hơn. Tuy nhiên các thành phần quan trọng của thuốc vẫn phải đảm bảo đúng liều lượng.
Chỉ định
Phòng và điều trị mất điện giải và nước trong tiêu chảy cấp từ nhẹ đến vừa.
Cách dùng
Cần bù nước nhanh trong vòng 3 – 4 giờ (trừ trường hợp mất nước tăng natri huyết. Trường hợp này bù nước chậm hơn, trong vòng 12 giờ). Sau khi bù lần đầu cần đánh giá lại tình trạng người bệnh.
Nếu vẫn còn thiếu nước cần tiếp tục bù nhanh.
Cần tiếp tục cho uống bình thường, càng sớm càng tốt khi đã bù lại dịch thiếu, đặc biệt trẻ bú mẹ cần phải được bú giữa các lần uống dịch. Cho người bệnh ăn kèm các thức ăn mềm, như cháo gạo, chuối, đậu, khoai tây, hoặc các thức ăn nhiều bột nhưng không có Lactose.
Hòa tan các gói hoặc viên thuốc trong nước theo hướng dẫn ghi trên nhãn của từng loại chế phẩm sau đó cho uống dịch pha với lượng tùy theo mức độ mất nước.
Liều lượng
Bác sĩ sẽ quyết định lượng thuốc (liều dùng) phù hợp cho trẻ. Nếu bạn mua từ nhà thuốc, liều dùng có trên nhãn gói thuốc.
Hoặc tham khảo liều dùng sau:
Tuổi | Lượng ORS cho uống
sau mỗi lần đi ngoài |
Lượng ORS cần cung
cấp để dùng tại nhà |
< 24 tháng | 50-100 ml | 500ml/ngày |
2T- 10 tuổi | 100-200 ml | 1000ml/ngày |
10 tuổi trở lên uống cho đến
khi hết khát |
2000 ml/ngày |
* Nếu biết cân nặng có thể tính lượng dịch cần bù bằng công thức: Số lượng nước (ml) uống trong 4 giờ đầu = Cân nặng bệnh nhi x 75 ml.
Cách cho uống: Khuyến khích trẻ uống cho đủ liều được khuyến cáo.
+ Trẻ < 2 tuổi, cho uống từng thìa, trẻ lớn cho uống từng ngụm một bằng cốc hoặc bằng bát.
+ Trẻ bị nôn, dừng lại đợi 5-10 phút sau lại tiếp tục cho uống.
+ Chịu khó cho con uống, vì chỉ có cho uống mới tránh được hậu quả nguy hiểm khi trẻ bị tiêu chảy.
Lưu ý khi sử dụng dung dịch Oresol
Mua đúng liều theo chỉ định và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ: không được thay thế thuốc bằng thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Dùng thuốc ngay sau khi pha, thuốc đã pha chỉ sử dụng trong vòng 24h vì dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu. Bảo quản trong bình kín và để trong tủ lạnh không quá 24h.
Không được chia nhỏ gói thuốc hoặc bẻ đôi viên thuốc rồi pha vì rất có thể tỷ lệ các thành phần không còn đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha.
Không được đun sôi dung dịch đã pha vì có thể làm thay đổi thành phần của thuốc, bay hơi nước làm tăng nồng độ các chất trong dung dịch thuốc.
Nên pha với nước lọc đun sôi để nguội. Không pha với nước khoáng, sữa, nước trái cây, nước ngọt vì trong các loại nước này có sẵn thành phần điện giải sẽ làm sai lệch nồng độ, không được thêm đường vào làm thay đổi nồng độ dung dịch.
Tránh dùng thức ăn hoặc dung dịch khác chứa các chất điện giải như nước hoa quả hoặc thức ăn có muối cho tới khi ngừng điều trị, để tránh dư chất điện giải hoặc tránh tiêu chảy do thẩm thấu.
Bố mẹ phải theo dõi thật kỹ trẻ trong quá trình điều trị bệnh. Nếu có dấu hiệu mất nước, giảm khả năng đáp ứng hoặc bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào cần báo ngay với nhân viên y tế để xử trí kịp thời.
Lưu ý các trường hợp chống chỉ định với Oresol:
-
- Đi tiểu ít hoặc thận không sản xuất được nước tiểu.
- Mất nước nặng kèm triệu chứng sốc.
- Tiêu chảy nặng (khi tiêu chảy phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong 24h).
- Nôn nhiều và kéo dài.
- Tắc ruột, liệt ruột, thủng ruột (ruột kém hoặc không còn khả năng hấp thu).
- Người bệnh mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
Sau khi uống Oresol nếu có các dấu hiệu sau đây cũng cần báo cho nhân viên y tế ngay do nghi ngờ ngộ độc Oresol:
Buồn nôn, nôn mửa
Mệt mỏi, chán ăn
Lú lẫn
Khát
Tài liệu tham khảo:
- Bộ y tế (2022), Dược thư quốc gia Việt Nam, Bộ Y tế xuất bản lần thứ ba, tr.1576-1577
- Bệnh Viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, Phác đồ điều trị tiêu chảy cấp 2023.
DS Nguyễn Thị Thảo- Khoa Dược
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
???? Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
???? Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
☎ Hotline: 1900 588 827
???? Website: http://benhviensannhibacninh.vn
???? Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh