Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là một rối loạn đông máu do ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu (rối loạn về số lượng, chất lượng) trong máu. Cơ chế gây bệnh chủ yếu là do hệ thống miễn dịch tự sinh ra các kháng thể phá hủy tiểu cầu. Trẻ bị giảm tiểu cầu sẽ dễ bị bầm tím và có thể gặp các vấn đề chảy máu khác. Vì vậy, việc chăm soc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu cần phải phòng chống các biến cố chảy máu cho trẻ.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là gì?
Tiểu cầu là các tế bào máu lưu thông trong dòng tuần hoàn có vai trò giúp đông và cầm máu.
Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em thường có căn nguyên là do miễn dịch. Đây là một tình trạng rối loạn chảy máu xảy ra khi hệ thống miễn dịch của trẻ tấn công và phá hủy các tiểu cầu. Các nguyên nhân của giảm tiểu cầu chưa được biết rõ ràng, có thể có mối liên hệ với nhiễm virus gần đây, sử dụng một số loại thuốc, bị rối loạn miễn dịch (bao gồm lupus) hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng nặng.
Trẻ bị giảm tiểu cầu có thể xuất hiện chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. May mắn là xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em do miễn dịch sẽ tự thuyên giảm trong vài tuần đến vài tháng.
Tuy nhiên, khi xuất huyết giảm tiểu cầu trẻ em kéo dài vài tháng đến vài năm, tình trạng này có thể trở thành một bệnh lý mãn tính.
Hình ảnh trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu
- Những lưu ý trong chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu
Khi chăm sóc trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:
- Chăm sóc làn da và niêm mạc của con thường xuyên: Sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh chảy máu nướu răng của trẻ. Cho trẻ dùng son dưỡng để môi không bị nứt nẻ. Sử dụng khăn mềm khi tắm. Bôi kem dưỡng da lên vùng da khô.
- Chăm sóc các vết cắt, vết xước trên da hoặc chảy máu cam. Ngay khi phát hiện, dùng lực ấn mạnh, đều đặn lên vết cắt hoặc vết xước trên da. Dùng gạc hoặc khăn sạch che trên vết thương và nâng phần cơ thể lên cao hơn tim để hạn chế chảy máu. Nếu trẻ chảy máu mũi, hãy nắm chặt phần cánh mũi của trẻ cho đến khi máu ngừng chảy.
- Không để trẻ làm các hoạt động có thể gây thương tích hay tham gia các môn thể thao tiếp xúc đối kháng như đấu vật, bóng đá.
- Không cho trẻ uống aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Những loại thuốc này có thể ngăn cản chức năng tiểu cầu và sẽ khiến trẻ dễ bị chảy máu hay bầm tím hơn.
- Trẻ bị giảm tiểu cầu có thể tham gia những môn thể thao nào?
Trong thực tế, không có câu trả lời nào là an toàn tuyệt đối cho trẻ bị giảm tiểu cầu có thể tham gia những môn thể thao nào. Miễn là số lượng tiểu cầu của trẻ trên 75.000, việc chơi hầu hết các môn thể thao thường là an toàn, chỉ cần đảm bảo bảo vệ bản thân như bất kỳ vận động viên nào.
Khi số lượng tiểu cầu thấp, trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu chú trọng nhất là hạn chế cho trẻ hoạt động mạnh, bao gồm cả việc chạy nhảy, chơi đùa trong nhà hay với những đứa trẻ khác.
Tóm lại, những việc cần làm để chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu đặt mục tiêu lớn nhất là ngăn ngừa các biến cố chảy máu, bằng cách hạn chế các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ cũng như theo dõi số lượng tiểu cầu thường xuyên. Trong khi hầu hết trường hợp trẻ bị giảm tiểu cầu sẽ mau chóng hồi phục, một số trẻ cần tích cực tìm nguyên nhân và điều trị, để trẻ vẫn có cơ hội phát triển toàn diện như bạn bè cùng trang lứa.
Ngọc Anh – Nội nhi tổng hợp
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI TỈNH BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn