Vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh Bạch Hầu trong nước đang bùng phát trở lại. Tại khu vực Đắc Lắc đã ghi nhận 48 ca mắc và đặc biệt gần đây nhất 1 trường hợp bệnh nhân mắc tại Bắc Giang đã tử vong. Diễn biến bệnh Bạch Hầu nguy cơ lây nhiễm gia tăng và có thể bùng phát dịch lớn. Do đó chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về dấu hiệu nhận biết, mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng tránh.
- Đại Cương
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh thường găp ở trẻ em < 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc-xin.
- Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
Hay gặp nhất là bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%), bạch hầu da…
- Sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt nóng nhiệt độ dao động 38-39 độ C,ho, đau họng nhiều. Nếu bệnh tiến triển bạch hầu ác tính sốt cao liên tục, tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc da xanh tái, mạch nhanh, huyết áp tụt , hạch cổ sưng to biến dạng
- Khám họng: có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amydal; trường hợp nặng giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu. Giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu, nếu bóc tách thì vài giờ sau mọc lại rất nhanh; giả mạc dai, không tan trong nước, niêm mạc quanh giả mạc bình thường.
- Hạch góc hàm sưng đau. Bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.
Hình ảnh tổn thương trong bệnh bạch hầu
- Bệnh lây truyền như thế nào?
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
- Điều trị bệnh như thế nào?
Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD): Sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh và kháng sinh phù hợp sẽ được bác sỹ lựa chọn.
- Phòng bệnh bạch hầu:
– Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính
– Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.
– Phòng bệnh bằng vắc-xin bạch hầu: trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá: bạch hầu – ho gà – uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.
– Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày.
Khuyến cáo của Bộ Y tế về bệnh bạch hầu
Nếu cần hỗ trợ Quý phụ huynh vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN SẢN – NHI TỈNH BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh
BS Lê Thị Hoa – Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hoá nhi