Tương tự các loại thuốc, vắc xin sau khi tiêm vào cơ thể có thể gây ra phản ứng thông thường và nhẹ cho thấy hệ miễn dịch đã phản ứng với vắc xin để bảo vệ cơ thể. Các biểu hiện này thường nhẹ và có thể tự khỏi sau 1-2 ngày mà không cần điều trị. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết rất hiếm khi xảy ra các dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm phòng.
Tuy nhiên, việc nhận diện sớm các dấu hiệu nguy hiểm này sẽ giúp hạn chế tối đa các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêm chủng, thậm chí là tử vong. Vậy các dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm phòng nào cần được cấp cứu ngay lập tức?
- Sốt cao không có dấu hiệu hạ nhiệt
Một trong số dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm phòng đầu tiên được liệt kê là sốt cao trên 39 độ C khó hạ, kéo dài thì cần cho người bệnh uống nhiều nước hoặc đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Đối với trẻ em có thể sử dụng thuốc hạ sốt Acetaminophen an toàn và hiệu quả.
Trong trường hợp sốt cao không đáp ứng với Acetaminophen đơn thuần, sau 1 đến 2 giờ có thể phối hợp thêm Ibuprofen (trong trường hợp không có tiền sử chống chỉ định với Ibuprofen). Đồng thời, người nhà có thể lau mát hạ sốt với nước ấm hoặc nước thường. Trong trường hợp người bệnh tiếp tục không đáp ứng thuốc hạ sốt thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.
- Khóc thét dai dẳng
Biểu hiện này thường gặp ở trẻ em từ 3 – 6 tháng tuổi (chiếm khoảng 3%) sau khi tiêm vắc xin và thường dịu đi sau 1 ngày. Trong trường hợp trẻ quấy khóc, khóc thét dai dẳng hơn 3 giờ, cần cho trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.
- Co giật
Co giật cũng là một trong những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm phòng cần đặc biệt lưu ý. Các chuyên gia cho biết khi xuất hiện dấu hiệu co giật, người bệnh thường co giật toàn thân không kèm theo dấu hiệu và triệu chứng tại chỗ có thể có sốt hoặc không. Trong trường hợp này, người bệnh cần được điều trị hỗ trợ hô hấp như thông đường thở, hút đờm dãi, thở oxy. Đồng thời, có thể dùng thuốc chống co giật như Diazepam và/hoặc thuốc chống co giật khác theo đúng phác đồ xử trí co giật mà bác sĩ chỉ định.
- Sốc phản vệ
Sốc phản vệ sau tiêm vaccin là một phản ứng nặng, đôi khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được xử trí kịp thời. Các dấu hiệu sốc phản vệ thường xuất hiện ngay sau khi tiêm vacxin. Các dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang gặp phải tình trạng sốc phản vệ sau khi tiêm vacxin là:
– Ở mức độ nhẹ (độ I), người tiêm vacxin có thể thấy xuất hiện mày đay, ngứa da, cùng với phù mạch ở một số khu vực.
– Ở mức độ nặng (độ II), các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn với sự gia tăng đột ngột của mày đay và phù mạch, đồng thời xuất hiện khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi và các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, nôn, ỉa chảy, huyết áp có thể tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
– Với các trường hợp nguy kịch (độ III), người này có thể trải qua các vấn đề về thở như xuất hiện tiếng rít thanh quản, sưng ở khu vực thanh quản, thở nhanh và khò khè, da trở nên tím tái do thiếu ôxy, có thể xuất hiện rối loạn nhịp thở và rối loạn ý thức, hôn mê, co giật.
– Trong trường hợp nghiêm trọng nhất (độ IV), nguy cơ ngưng tuần hoàn và hô hấp là rất cao, đòi hỏi sự can thiệp ngay lập tức của đội ngũ y tế chuyên nghiệp.
- Phản ứng quá mẫn cấp tính
Phản ứng quá mẫn cấp tính thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm vắc xin. Người bệnh xuất hiện một số biểu hiện như: thở khò khè, ngắt quãng phế quản và thanh quản bị co thắt, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân. Trường hợp phản ứng nặng cần khẩn trương cho thở oxy và xử trí như sốc phản vệ.
Một số dấu hiệu khác
Ngoài các dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm phòng kể trên, người bệnh cũng cần chú ý đến một số dấu hiệu khác như giảm trương lực, giảm phản ứng, hội chứng sốc nhiễm độc, nhiễm khuẩn huyết , áp xe vị trí tiêm,… để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Hướng dẫn xử trí khi xuất hiện các dấu hiệu sau tiêm chủng:
Sau khi tiêm phòng các loại vaccin, có thể xảy ra các loại phản ứng từ nhẹ đến nặng( các dấu hiệu nguy hiểm ) . Sau đây là hướng dẫn xử trí khi gặp phản ứng sau tiêm phòng :
- Phản ứng sau tiêm mức độ nhẹ
Các phản ứng nhẹ như sưng, nóng, đỏ, đau tại vết tiêm hay sốt nhẹ, có thể xử trí ngay tại nhà. Thông thường các phản ứng sưng, đau tại vết tiêm có thể tự khỏi hoặc có thể chườm mát để giảm đau, giảm sưng. Không chườm nóng, xoa dầu, đắp khoai tây, đắp chanh lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng.
Đối với các trường hợp sốt nhẹ dưới 38 độ C, người được tiêm nên:
- Uống nhiều nước lọc, nước trái cây;
- Lau mát bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát kết hợp cùng nghỉ ngơi;
- Dùng thuốc hạ sốt: Thuốc hạ sốt được khuyên dùng trong trường hợp này là Paracetamol 10-15 mg/kg/lần.
- Phản ứng sau tiêm từ vừa đến nặng
Phản ứng sau tiêm mức độ vừa bao gồm: Sốt cao, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt. Sốt thường xuất hiện 12 giờ sau tiêm, co giật, phản ứng dị ứng…
Phản ứng sau tiêm mức độ vừa
Đối với các phản ứng sau tiêm mức độ vừa, người được tiêm cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị đúng cách:
- Với phản ứng sốt sử dụng thuốc Paracetamol 10-15 mg/kg/lần, uống, mỗi 4-6 giờ/lần;
- Nếu có phản ứng dị ứng dùng Diphenhydramin 1 mg/kg, theo đường uống hoặc tiêm;
- Chống co giật bằng Seduxen 0,25 mg/kg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Corticoids: MethylPrednisolone 2mg/kg/ lần/ ngày, tiêm tĩnh mạch.
Trong trường hợp trẻ bú kém, nôn trớ:
- Tiến hành truyền dịch;
- Cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của người được tiêm cùng các nhân viên y tế;
- Báo ngay cho nhân viên y tế nếu có phản ứng lạ.
Phản ứng sau tiêm mức độ nặng
Phản ứng sau tiêm mức độ nặng gồm các biểu hiện của hội chứng sốc nhiễm độc và phản ứng phản vệ. Các bác sĩ sẽ:
- Hỗ trợ hô hấp bằng cách cho bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao;
- Hỗ trợ tuần hoàn bằng đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi hoặc đường truyền tủy xương; bù dịch cấp cứu.
Với các trường hợp sốc nhiễm độc :
- Dùng Corticoid MethylPrednisolone 2 mg/kg/, 1-2 lần/ ngày, tiêm tĩnh mạch;
- Kết hợp cùng đích điều trị; theo dõi SpO2, điện tâm đồ, huyết áp động mạch xâm nhập hoặc không xâm nhập, nhiệt độ, bài niệu, áp lực tĩnh mạch trung tâm/bão hòa oxy, glucose máu, can xi, INR, lactate, khoảng trống anion.
Kết luận :
- Vắc-xin cũng như các thuốc dùng trong điều trị đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn khi sử dụng, đây là điều không thể tránh khỏi. việc theo dõi các phản ứng ngay sau tiêm và tại nhà là rất quan trọng, để khi có các phản ứng xảy ra , bệnh nhi sẽ được xử trí và cấp cứu kịp thời , góp phần hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra . Phòng tiêm chủng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh với đội ngũ các bác sỹ, nhân viên y tế được đào tạo sẽ cung cấp những thông tin chính xác về vắc-xin, tư vấn, khám chỉ định đúng loại vắc-xin, đúng lịch tiêm chủng cho từng đối tượng, thực hiện đúng phác đồ, kỹ thuật tiêm chủng để đạt hiệu quả cao nhất.
- Vui lòng liên hệ hotline Phòng tiêm chủng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh: 0915970783 hoặc 1900588827 ( phím 3 )
Bác sĩ: Nguyễn Quang Thành – Hồi sức tích nh
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn