Ho đờm là triệu chứng thường gặp ở hầu hết trẻ nhỏ. Điều này gây cản trở đến đường thở, hệ hô hấp của trẻ nhỏ, khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, khó ngủ… Vỗ rung long đờm là một phương pháp điều trị giúp chữa ho có đờm được nhiều chuyên gia khuyên áp dụng.
- Vỗ rung long đờm là gì, khi nào cần áp dụng?
Vỗ rung long đờm là phương pháp vật lý trị liệu hô hấp, ứng dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp do ứ đọng đờm nhớt.
Hình ảnh điều dưỡng đang vỗ rung cho trẻ
2. Cách vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh tuỳ theo bệnh
Nguyên tắc của phương pháp vỗ rung long đờm là thông đờm và thông khí. Thông đờm là làm sạch đờm nhớt trong đường thở của trẻ, thông khí là làm cho sự hô hấp hít vào thở ra hiệu quả. Tùy theo từng thể bệnh mà chia làm các bước sau:
2.1 Cách vỗ long đờm cho trẻ bị viêm hô hấp trên
Đờm nhớt tắc nghẽn vùng mũi họng là chính nên chỉ cần làm 2 bước sau:
- Kỹ thuật thông mũi họng với nước muối sinh lý
- Sau đó kích thích ho, khạc đờm để tống hết đờm nhớt ra ngoài.
2.2 Cách vỗ long đờm cho trẻ bị viêm hô hấp dưới
Viêm hô hấp dưới bao gồm các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Đờm nhớt tắc nghẽn sâu trong phế quản phổi nên cần kỹ thuật chuyên sâu hơn mới tống xuất đờm nhớt ra ngoài. Kỹ thuật viên sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bao gồm:
- Thông mũi họng như trên
- Kỹ thuật giảm thể tích tốc độ chậm
- Kỹ thuật tăng luồng khí thở ra (chú ý trường hợp viêm tiểu phế quản có ứ khí không làm kỹ thuật này cho trẻ)
- Kích thích ho, khạc đờm hoặc hút đờm bằng máy hút đờm với sự trợ giúp của điều dưỡng.
Chú ý cần dự phòng oxy, máy hút đờm nhớt để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân trong lúc làm vật lý trị liệu hô hấp.
- Cần lưu ý gì khi vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh?
- Thực hiện tốt nhất sau bữa ăn 1-2 giờ. Thực hiện 1-2 lần/ ngày tùy theo tình trạng trẻ ứ đọng đờm nhớt nhiều hay ít.
- Đối với các trường hợp trẻ yếu, khó có thể chịu đựng toàn bộ buổi tập cùng 1 lúc cũng như trẻ sơ sinh non tháng, nên chia ra nhiều lần tập ngắn trong ngày.
- Thận trọng đối với trẻ mất phản xạ ho hay phản xạ ho yếu vì nguy cơ nghẹt đờm, nên phối hợp với điều dưỡng hút đờm đồng thời trong quá trình tập.
- Thận trọng trong trường hợp trẻ có trào ngược dạ dày thực quản, nên tránh thao tác gây tăng áp lực ổ bụng, làm trào ngược vào phổi.
- Không dùng thuốc long đờm, loãng đờm trong thời gian áp dụng phương pháp vật lý trị liệu hô hấp này.
- Trẻ được điều trị vật lý trị liệu liên tục mỗi ngày cho đến khi hết tình trạng tắc nghẽn đờm nhớt. Trẻ hết nghẹt mũi, ho đờm, khò khè, đờm nhớt giảm dần, ăn ngủ dễ hơn.
- Theo dõi dầu hiệu khó thở trong quá trình thực hiện thủ thuật. Nếu trẻ có khó thở tăng, tím tái cần báo ngay bác sĩ và ngừng vật lý trị liệu kịp thời.
- Không phải tất cả trẻ mắc bệnh hô hấp đều cần phải tập vật lý trị liệu hô hấp, ngay cả trong nhiều trường hợp trẻ thật sự có đờm.
- Khi nào không nên vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh?
Một số tình huống không được vỗ rung long đờm cho trẻ mà các mẹ cần nhớ:
- Sốt cao ≥ 39 độ, nên hạ sốt tích cực trước, tránh nguy cơ co giật do sốt cao.
- Ho ra máu, tràn khí màng phổi chưa dẫn lưu, lao phổi tiến triển vì sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh như chảy máu phổi nhiều hơn, tràn khí nhiều hơn gây suy hô hấp nặng cho trẻ.
- Trẻ ở giai đoạn đầu phù não, xuất huyết não, có dị dạng mạch máu não vì tăng nguy cơ tổn thương não.
- Trẻ bị rối loạn đông cầm máu, thiếu máu, tím…
- Bố mẹ có nên tự thực hiện vỗ rung long đờm tại nhà?
Các mẹ chú ý rằng vật lý trị liệu hô hấp chỉ là phương pháp điều trị hỗ trợ và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ điều trị và điều dưỡng nhé. Bác sĩ sẽ thăm khám trẻ trước để chẩn đoán bệnh và cho chỉ định vật lý trị liệu hô hấp. Chuyên viên vật lý trị liệu lượng giá trẻ trước khi thực hiện thủ thuật, xác định tình trạng tắc nghẽn đờm nhớt do ứ đọng đờm nhớt và đánh giá tình trạng chung của bé để có quyết định và chọn lựa kỹ thuật điều trị. Điều dưỡng sẽ phối hợp hút đờm nhớt với kỹ thuật viên trong quá trình tập.
Vì vậy, bố mẹ không nên tự thực hiện kỹ thuật vỗ rung long đờm tại nhà. Phương pháp này chỉ nên thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ và do các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên môn sâu.
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu nghẹt đờm ở mũi, ba mẹ có thể làm một số việc để giúp bé mau khỏi bệnh:
- Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ 4-5 lần/ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn hoặc ngủ để trẻ ngủ ngon hơn và ăn dễ hơn
- Hạn chế việc mẹ dùng miệng hút mũi cho trẻ vì trong khoang miệng của mẹ có nhiều vi khuẩn gây bệnh, chỉ nên dùng trong trường hợp cấp cứu.
- Chỉ nên dùng khăn giấy sạch sử dụng một lần để hỉ, lau mũi cho trẻ; tránh dùng khăn sữa nhiều lần vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm nặng hơn.
- Cho trẻ uống nhiều nước để đờm loãng ra.
- Chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu và không biếng ăn.
- Khi ngủ, cho trẻ nằm nghiêng, kê gối cao hơn thông thường, chú ý kê cả đầu và vai lên gối để tránh gập cổ.
- Khi bị viêm hô hấp, trẻ thường ho hoặc ói, đây là phản xạ tự nhiên để tống xuất các chất lạ ra khỏi đường thở. Khi đó, bố mẹ nên hỗ trợ trẻ xuất đờm bằng cách vỗ lưng trẻ nhẹ nhàng.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại thuốc ức chế cơn ho mà không có chỉ định của bác sĩ vì sẽ khiến đờm đặc quánh lại, độ dính cao và khó tống xuất ra ngoài làm nặng thêm tình trạng tắc đờm.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Nên- Khoa Nội nhi tổng hợp
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh