- Những điều cần biết
- Nhọt, áp-xe da và viêm mô tế bào là những triệu chứng nhiễm trùng trên da do vi khuẩn thường bắt nguồn từ các vết xước hoặc do côn trùng cắn và tiến triển thành những cục u màu đỏ chứa đầy mủ trên da.
- Nhọt là những nhiễm trùng nông trên da, với một đầu mụn mủ nhìn thấy ngay dưới da.
- Áp-xe da có kích thước lớn hơn và sâu hơn nhọt gây đau và sưng đỏ cả một khu vực trên da và cũng chứa những ổ mủ.
- Viêm mô bào là tình trạng viêm khu trú hoặc lan tỏa do nhiễm khuẩn cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính tổ chức liên kết của da.
- Các triệu chứng của áp xe phần mềm như thế nào?
Nhọt thường có kích thước nhỏ từ đầu tăm đến bằng một đồng xu và lớp dịch mủ chỉ được bao bởi một lớp da mỏng. Trong khi đó, áp-xe có kích thước lớn hơn, mềm nhũn khi chạm vào và chứa đầy mủ ở dưới lớp mô sâu. Áp-xe và nhọt có thể bị vỡ mủ ra bên ngoài khi lớp da bao quanh những khu vực nhiễm trùng bị rách.
Các biểu hiện của viêm mô tế bào bao gồm đau, sưng đỏ trên da và sốt. Khi sờ vào các ổ nhiễm trùng này có thể cảm thấy nóng hơn các vùng da xung quanh, nguyên nhân là do các tế bào miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với nhiễm trùng.
- Nguyên nhân gây ra áp xe, nhọt là gì?
Các vi khuẩn thông thường gây viêm da như tụ cầu và liên cầu là nguyên nhân chủ yếu gây nhọt, áp-xe da và viêm mô tế bào. Những vi khuẩn này ký sinh trên da người và thường không gây bệnh gì. Tuy nhiên, chúng có thể gây nhiễm trùng một khi có điều kiện thuận lợi như có vết rách trên da hoặc hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu.
Trong những năm gần đây, một chủng siêu vi khuẩn có tên là tụ cầu vàng kháng methicilin (methicillin-resistant Staphylococcus aureus – MRSA) là nguyên nhân chủ yếu gây nên những nhiễm trùng nguy hiểm, bao gồm cả nhiễm trùng da. Những nhiễm trùng trên da này có thể lây lan từ người sang người khi vết nhiễm trùng bị rách và vỡ mủ ra ngoài. Những đối tượng bị nhiễm vi khuẩn ở mũi, họng hoặc trên da có thể lây nhiễm vi khuẩn cho những người khác.
- Lây lan theo đường nào?
Qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mủ và vi khuẩn trên da hoặc ở mức độ thấp hơn, khi tiếp xúc với vi khuẩn trên các bề mặt hoặc đồ vật.
- Các biện pháp phòng bệnh và điều trị mà các mẹ cần biết?
- Thực hành thói quen vệ sinh sạch sẽ cơ thể bé
- Chích rạch ổ áp xe tại các cơ sở y tế đảm bảo yêu cầu
- Có thể sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
- Đối với ổ áp-xe nằm sâu có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật dẫn lưu mủ.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã triển khai dịch vụ y tế chích rạch nhọt, áp xe phần mềm cho trẻ và thực hiện nuôi cấy và định danh vi khuẩn từ dịch ổ áp xe nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh để điều trị hiệu quả.
BS Lệ – Khoa XNTT – GPB
————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh