Hình ảnh trẻ sơ sinh non 27 tuần ngày ra viện tại BVSN
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sinh non khi trẻ sinh trước 37 tuần tuổi thai và trẻ sơ sinh nhẹ cân khi cân nặng lúc sinh thấp hơn 2500 gram.
Trẻ sinh càng non thì nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn sơ sinh cũng như nguy cơ chậm phát triển tâm thần vận động trong những năm đầu đời càng cao. Những trẻ sinh cực non (trước 28 tuần tuổi thai) sẽ có nhiều biến chứng hơn những trẻ sinh non khác.
Vấn đề trẻ sinh non thường gặp và cách xử trí
Rối loạn thân nhiệt
Hạ thân nhiệt làm tăng cao nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, việc phòng tránh hạ thân nhiệt cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết. Bình thường thai nhi khi nằm trong tử cung thường có thân nhiệt cao hơn thân nhiệt người mẹ từ 0,5 đến 1 độ C, nên ngay khi ra đời, bé có nguy cơ bị giảm nhiệt rất nhanh. Đối với trẻ sinh non tháng và thấp cân giảm lớp cách nhiệt và thiếu lớp mỡ dưới da nên nhiệt độ ngoài da tăng gây sự chênh nhiệt độ nhiều làm tăng sự mất nhiệt.
Vì vậy, khi nuôi dưỡng cha mẹ cần để ý cách ủ ấm, mặc quần áo, quấn tã đúng cách, tránh để bé ướt, luôn lau khô và quấn tã lót cho bé, nếu không nhiệt lượng mất đi khiến bé dễ bị mất nhiệt. Nhiệt độ trong phòng bé nằm tối thiểu là 30-32 độ C trong tuần đầu và 28-29 độ C trong những tuần tiếp theo. Bé cần nằm chung với mẹ vì nhiệt độ ngoài da của mẹ cao hơn sẽ truyền hơi ấm cho con. Sử dụng các phương tiện ủ ấm như lồng ấp, túi chườm ấm… hoặc ủ vào lồng ngực mẹ theo phương pháp chuột túi trong trường hợp cần di chuyển bé.
Trường hợp trẻ bị tăng thân nhiệt, nguyên nhân do trung tâm điều hòa nhiệt của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, khi đó thân nhiệt trẻ trên 38 độ C, da nóng và đỏ, vã mồ hôi. Thêm nữa, trẻ bị tăng cả nhịp tim, và nhịp thở, gây suy hô hấp và mất nước.
Khi đó, ba mẹ cần hạ bớt nhiệt độ trong phòng ngay lập tức, cởi bớt quần áo, chú ý tránh gió lùa và cho trẻ bú mẹ ngay. Sau đó cần kiểm tra xem có điều gì gây nên tình trạng này không, ví dụ: Ủ ấm quá kỹ, nhiệt độ trong phòng quá cao, hoặc trẻ bị viêm nhiễm ở rốn, họng,… nếu tình trạng không cải thiện cần cho bé tới cơ sở y tế để được kiểm tra.
Rối loạn tiêu hóa
Trẻ sơ sinh nhất là trẻ sinh non rất dễ có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như trẻ sơ sinh hay nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, bú kém… Biến chứng nguy hiểm nhất là viêm ruột hoại tử. Ruột của bé không được tưới máu nuôi đầy đủ sẽ mỏng dần rồi hoại tử hoặc thủng. Do đó, khi thấy bé có biểu hiện nghi ngờ như: trẻ sơ sinh hay nôn trớ, nôn dịch xanh thì phải đến bác sĩ ngay. Cần cho bé ăn sớm những giờ đầu sau sinh. Cần vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc, cho trẻ ăn. Theo dõi lượng sữa trẻ không bú hết trong một bữa ăn. Theo dõi tình trạng của trẻ để phát hiện kịp thời nếu trẻ có rối loạn hô hấp, thở nhanh, thở co kéo, tím quanh môi- đầu chi, rối loạn bài tiết phân, nước tiểu,…
Mọi hiện tượng bất thường ở trẻ sinh non dù nhỏ, đều phải được sớm phát hiện, ghi nhận để xử trí kịp thời.
Hình ảnh điều trị và chăm sóc bệnh nhi sơ sinh non yếu tại khoa Sơ sinh BVSN
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa. Khoa Sơ sinh là khoa lâm sàng tiếp nhận điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc các bé sơ sinh bệnh lý. Mỗi năm, khoa Sơ sinh tiếp nhận, điều trị, chăm sóc trên 2000 trẻ sơ sinh bệnh lý, trong đó có hơn 500 trẻ là sơ sinh non yếu. Đặc biệt khoa đã nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sơ sinh cực non có cân nặng 500 – 600g, trẻ có cân nặng nhỏ nhất là 490g (24 tuần 6 ngày).
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về chăm sóc trẻ sơ sinh non yếu tốt nhất:
- Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
- Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
- Hotline: 1900 588 827
- Website: http://benhviensannhibacninh.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh
Bác sĩ CKII. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH