Hình ảnh cháy nhà
Ngày 19/10/2024, Bệnh viện Sản Nhi có tiếp nhận bệnh nhân nặng bị hôn mê/ bỏng độ III do cháy nhà, được cấp cứu và chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện Yên Phong.
Trên thực tế khi xảy ra hỏa hoạn, phần lớn nạn nhân thiệt mạng là do ngạt khói. Nạn nhân bị ngạt khói sau khi được cứu ra khỏi đám cháy nếu không được sơ cứu đúng cách có thể để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài cho sức khỏe.
Để giảm ngạt khí khi có đám cháy, chúng ta cần nhớ các bước sau:
Hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối để giảm ngạt khí khi có đám cháy
- Nhanh chóng tìm các lối ra gần nhất thay vì trốn ở phòng kín.
- Khi xung quanh có quá nhiều khói, để không hít phải quá nhiều khí độc, chúng ta cần hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối (vì khí thường sẽ lơ lửng ở trên).
- Tìm một mảnh vải thấm nước làm ẩm, sau đó đưa lên gần mũi miệng, mảnh vải ẩm này có công dụng lọc khí độc. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
- Trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Sau đó tìm vải ướt hoặc băng dính bịt các khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió để ngăn khói bay vào phòng.
Các bước sơ cấp cứu khi nạn nhân bị ngạt khói
Nguyên tắc sơ cứu nạn nhân về ngạt khói, cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng, sau đó gọi cấp cứu 115 để yêu cầu sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp:
Cách sơ cứu ban đầu để giúp nạn nhân qua khỏi một phần nguy hiểm. Tùy vào tình trạng của mỗi người mà lựa chọn cách sơ cứu phù hợp.
- Người còn tỉnh táo và có khả năng hô hấp được
Để nạn nhân nằm hoặc ngồi nghỉ ở chỗ thoáng khí, cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.
- Nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn khả năng hô hấp được
Cho nạn nhân nằm nghiêng để đờm không làm tắc đường thở, nếu khu vực xung quanh có bình oxy nên cho nạn nhân thở ngay.
- Nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường
Trong quá trình chờ xe cấp cứu, nếu nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở hoặc thở bất thường, chúng ta cần thực hiện hồi sức tim phổi cho nạn nhân ngay lập tức, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Hình ảnh cấp cứu hồi sinh tim phổi
Thực hiện cấp cứu hồi sức tim phổi (CPR) trong khoảng 2 phút theo trình tự sau:
Bước 1: Đặt nạn nhân nằm ngửa, trên nền phẳng, cứng. Bộc lộ vùng ngực, sau đó quỳ/đứng ngang ngực nạn nhân
Bước 2: Xác định chính xác vị trí ép tim tại 1/3 dưới xương ức: Dùng ngón giữa miết dọc bờ sườn nạn nhân về phía mũi ức. Đặt ngón trỏ cạnh ngón giữa để đảm bảo vị trí ép cách mũi ức 2 khoát ngón tay
Bước 3: Ép tim đủ nhanh, đủ mạnh; Đặt gót bàn tay kia lên phía trên mu bàn tay đang đặt trên xương ức; Các ngón tay đan vào nhau
Duỗi thẳng 2 khuỷu tay vuông góc với thành ngực người bệnh và giữ nguyên tư thế này trong suốt quá trình ép tim.
Dùng trọng lượng cơ thể ấn lồng ngực nạn nhân lún xuống ít nhất 5cm. Đảm bảo ép thẳng xuống xương ức.
Người lớn ưu tiên nhấn tim hơn thổi ngạt: 1 chu kỳ 2 phút; Tần số 100-120 lần/phút; Ấn sâu ít nhất 5cm Để ngực nảy lên hoàn toàn sau mỗi lần ấn tim; Hạn chế tối thiểu mỗi lần gián đoạn ấn tim
Lưu ý: Cuối mỗi lần ép, đảm bảo cho phép ngực nở hoàn toàn; Hạn chế tối đa thời gian tạm dừng ép tim không quá 10 giây.
- Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
- Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
- Hotline: 1900 588 827
- Website: http://benhviensannhibacninh.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh
Bác sĩ CKII. Vũ Thị Thanh Hiếu – phòng KHTH