Thời gian gần đây tại Việt Nam, nhiều bệnh viện đã quá tải do diễn biến phức tạp của Adenovirus. Số ca nhiễm tăng và đã ghi nhận thêm những trường hợp trẻ tử vong vì loại virus này. Theo bác sỹ Phạm Thị Thanh Hương – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – tiêu hóa nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã điều trị hơn 300 trẻ nhiễm Adenovirus trong 4 tháng gần đây và hiện tại số ca nhiễm Adenovirus vẫn đang không ngừng tăng lên.
Adenovirus nguy hiểm như thế nào?
Adenovirus là virus rất phổ biến và có thể gây bệnh quanh năm. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm phải loại virus này nhưng trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao do sức đề kháng kém. Khi nhiễm virus, trẻ có thể gặp phải những tổn thương như sau:
– Viêm họng cấp: Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với những triệu chứng như sốt, đau đầu, sưng họng, ho, chảy nước mũi. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 – 14 ngày, có thể lây lan nhanh, trở thành dịch. Chẩn đoán trên triệu chứng thường khó phân biệt với những trường hợp nhiễm virus khác.
– Viêm họng kết mạc: Triệu chứng tương tự viêm họng cấp, nhưng thường kèm theo triệu chứng viêm kết mạc (kết mạc mắt đỏ, thường không đau, có chảy dịch trong). Bệnh thường lây lan nhanh tạo thành dịch, đặc biệt là vào mùa Hè. Người bệnh có thể bị lây qua đường hô hấp hay khi tiếp xúc với nguồn bệnh khi đi bơi.
– Viêm đường hô hấp cấp: Triệu chứng bệnh là đau và sưng họng, hạch cổ sưng đau, ho, sốt có thể trên 39°C. Bệnh diễn biến cấp tính, thường khỏi sau 3 – 4 ngày. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em và người lớn.
– Viêm phổi: Biểu hiện bệnh thường xuất hiện đột ngột, sốt cao 39°C, ho, chảy nước mũi, những dấu hiệu tổn thương ở phổi. Các tổn thương này có khả năng lan rộng để lại di chứng, thậm chí gây tử vong.
– Viêm kết mạc mắt: Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường tạo thành dịch vào mùa Hè. Nguyên nhân là do lây qua nước ở hồ bơi. Biểu hiện bệnh là kết mạc mắt đỏ (một hay cả hai bên), có chảy dịch trong, dễ bội nhiễm vi khuẩn nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
– Bệnh viêm dạ dày, ruột: Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 ngày, kèm theo sốt, buồn nôn, nôn, những dấu hiệu viêm đường hô hấp, viêm kết mạc. Virus gây bệnh ở đường tiêu hóa, được đào thải trong phân. Đây cũng là nguồn lây chủ yếu trong cộng đồng.
Adeno còn là nguyên nhân gây viêm bàng quang ở trẻ em, đặc biệt là bé trai. Virus có thể nằm trong nước tiểu của người bệnh. Ở niệu đạo và tử cung cũng có thể xuất hiện virus. Vì thế, đây được xem là bệnh lây qua đường tình dục.
Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, được gọi là thể ẩn, vẫn có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Một số trường hợp sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân chỉ có miễn dịch với virus Adeno cùng chủng virus gây bệnh. Họ vẫn có khả năng nhiễm bệnh do những chủng virus Adeno khác gây ra.
Adenovirus rất dễ lây lan trong cộng đồng. Người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus, người bệnh cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe. Bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Adenovirus lây qua đường nào?
Virus Adeno thường có những phương thức lây truyền như:
– Tiếp xúc trực tiếp giữa người và người thông qua đường hô hấp.
– Lây nhiễm qua niêm mạc do bơi lội hay nguồn nước dùng có dịch tiết từ mắt, mũi, phân của người bệnh.
– Tiếp xúc gián tiếp với vật dụng của người bệnh nhiễm virus Adeno.
– Lây nhiễm qua nước bọt như những hạt khí thông qua đường hô hấp.
Một số cách phòng chống Adenovirus hiệu quả:
– Không để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Trong khi tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, không nên cho trẻ đến những nơi đông người. Chú ý đeo khẩu trang cho trẻ trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài.
– Thường xuyên rửa tay sát khuẩn và dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ.
– Cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong chế độ ăn của trẻ để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, phòng chống nguy cơ mắc bệnh.
+ Nên cho trẻ bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
+ Lên thực đơn hợp lý khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm.
+ Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường cần được thăm khám, cha mẹ có thể liên hệ đến tổng đài 1900 588 527 để được đội ngũ nhân viên tư vấn của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh hỗ trợ kịp thời.
Bác sỹ CK II. Vũ Thị Thanh Hiếu – Phòng Kế hoạch tổng hợp