BỆNH BẠCH HẦU – KHÔNG THỂ COI THƯỜNG!
Tính đến ngày 3/7, Việt Nam đã ghi nhận 26 ca mắc bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong, trong đó bé 9 tuổi và 13 tuổi sống tại Đắk Lắk, bé 1 tuổi là người Gia Lai. Hiện Đắk Nông cũng là địa phương ghi nhận số ca bạch hầu lớn nhất nước với 16 ca, kế đó là Kon Tum 8 ca, TP.HCM 1 ca, Gia Lai 1 ca.
Vậy bệnh bạch hầu là gì? Cách nhận biết, điều trị và phòng bệnh ra sao?
Đặc điểm dịch tễ
Bệnh bạch hầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc xin dự phòng. Năm 1923 vắc xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay đã dần dần làm thay đổi tính nghiêm trọng của bệnh trên toàn thế giới. Bệnh thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Tính mùa ở vùng nhiệt đới ít rõ ràng. Dịch thường tản phát, không rầm rộ, nhưng có thể kéo dài và trẻ em < 15 tuổi nếu chưa được gây miễn dịch sẽ là đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Những năm gần đây, bệnh thường xảy ra ở người lớn, chưa được gây miễn dịch.
Tại Việt Nam, khi chưa thực hiện tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho trẻ em thì bệnh thường xuyên xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh. Việc triển khai vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong hơn 30 năm qua đã làm giảm tỷ lệ mắc năm 2015 xuống dưới 0,01/100.000 dân, tương đương 247,4 lần so với trước khi triển khai vắc xin. Mặc dù vậy, khoảng 10 năm trở lại đây trên cả nước vẫn ghi nhận các trường hợp mắc bạch hầu tản phát mỗi năm. Trong các năm 2008, 2015, 2016, 2019 ghi nhận ổ dịch bạch hầu trên qui mô xã, huyện. Đặc biệt Tây Nguyên.
Tỉ lệ tiêm DPT3 và tỉ lệ mắc bạch hâu tại Việt Nam
Khái niệm bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B
Bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính, vi khuẩn xâm nhập qua da hoặc niêm mạc gây ra các giả mạc dai tại chỗ bị nhiễm khuẩn (hầu họng, thanh quản…) từ đó tiết ra các ngoại độc tố vào máu gây nhiễm độc cơ tim, thận, các dây thần kinh và có thể dẫn đến tử vong. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn.
Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 5-10% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Diễn biến của bệnh bạch hầu
Người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thời gian ủ bệnh (đã nhiễm khuẩn nhưng chưa biểu hiện bệnh) trong 2-5 ngày.
Các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong họng, khẩu cái mềm, amidan, lưỡi. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan xuống vùng thanh quản gây khàn giọng, khó thở, ho ông ổng. Lớp mảng giả này sẽ làm tắc đường thở và gây tử vong.
Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch hầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do tổn thương thanh quản.
Triệu chứng khi mắc bệnh bạch hầu
Tùy vào các thể lâm sàng: bạch hầu họng hoặc họng-hạnh nhân, bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu thể da, bệnh bạch hầu có thể có các triệu chứng sau:
– Sốt, đau họng, ho
– Hạch cổ sưng và đau
– Giả mach ở amydal hoặc thành sau họng với đặc điểm màu trắng ngà hoặc xám, bóng, dai, dính chặt, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu
– Có thể có khàn tiếng hoặc khó thở thanh quản
– Có thể có biểu hiện tình trạng nhiễm độc toàn thân
Biến chứng bệnh bạch hầu?
Các biến chứng của bạch hầu có thể bao gồm: Bít tắc đường thở; Tổn thương cơ tim (viêm cơ tim – cơ chế miễn dịch) (biến chứng muộn); Tổn thương thần kinh (polyneuropathy); Liệt; Tổn thương thận; Tử vong. Kể cả khi điều trị tỉ lệ tử vong có thể từ 5 tới 10%. Không điều trị có thể tới 50% bệnh nhân thể hô hấp sẽ tử vong.
Cách điều trị bệnh bạch hầu
– Điều trị chống ngoại độc tố bạch hầu: Tuỳ theo tình trạng bệnh mà chỉ định tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu từ 20.000 đơn vị đến 100.000 đơn vị. Cần thử phản ứng huyết thanh kháng độc trước khi tiêm.
– Chống nhiễm khuẩn: Tiêm penicillin G liều 25.000 – 50.000 đơn vị/kg/ngày cho trẻ em và 1,2 triệu đơn vị cho người lớn, chia làm 2 lần/ngày. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin thì thay bằng erythromycin với liều 40-50 mg/kg/ngày, liều tối đa 2 gam/ngày trong 7 ngày liền.
– Điều trị dự phòng cho người lành mang vi khuẩn: Tiêm một liều đơn penicillin G benzathin 600.000 đơn vị cho trẻ dưới 6 tuổi và 1,2 triệu đơn vị cho trẻ từ 6 tuổi trở lên hoặc uống erythromycin với liều 40 mg/kg/ngày cho trẻ em và 1gam/ngày cho người lớn trong 7-10 ngày.
– Ngoài ra tùy tình trạng của người bệnh chúng ta sẽ có các điều trị hỗ trợ: thở máy, thở oxy, hạ sốt, bù nước, điện giải…
Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh nếu chưa có kháng thể bảo vệ. Kháng thể miễn dịch của mẹ được chuyển sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ tương đối và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
BSCKII. Phạm Thị Thanh Hương – PTK Nội nhi