- Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, lây qua dịch tiết của phế quản, hầu họng bắn ra do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người mắc bệnh sởi. Bệnh sởi là do virus thuộc giống morbillivirus của họ paramyxoviridae gây ra.
Bệnh sởi thường găp vào mùa đông xuân, có thể gây thành dịch, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn chưa có đủ miễn dịch. Trẻ có miễn dịch bền vững suốt đời sau mắc sởi.
- Các giai đoạn của bệnh:
- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).
- Giai đoạn khởi phát (2 – 4 ngày):
– Sốt cao: 39-40 độ cho đến khi phát ban.
– Viêm long đường hô hấp trên: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, viêm thanh quản cấp.
– Viêm kết mạc mắt: chảy nước mắt, có thể sưng phù kết mạc và mí mắt.
– Rối loạn tiêu hóa: Đi ngoài phân nát, tiêu chảy.
– Hạt Koplik: là những chấm nhỏ màu trắng đường kính 1-2 mm mọc trong niêm mạc miệng. dấu hiệu này sẽ mất đi khi bắt đầu mọc ban.
- Giai đoạn toàn phát ( 2-5 ngày).
– Ban sởi điển hình màu hồng, không ngứa, dạng dát sẩn và mọc theo trình tự: bắt đầu mọc từ tóc, xuống 2 tai, mặt và cổ, sau đó lan xuống thân mình, tứ chi cả ở lòng bàn tay, bàn chân
– Khi ban mọc sốt sẽ giảm dần và hết.
Hình ảnh: Hình ảnh ban sởi
- Giai đoạn phục hồi:
Ban nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và mất đi theo trình tự như khi xuất hiện
- Chăm sóc trẻ bị sởi:
- Cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người: từ lúc nghi sởi đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.
- Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ.
- Cho trẻ nằm phòng sạch sẽ, thoáng khí, vệ sinh môi trường xung quanh.
- Tránh để mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng mạnh khi mắt trẻ đỏ, ra nhiều gỉ mắt vì lúc này mắt trẻ rất nhạy cảm với ánh sáng, đau nhức.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.
- Duy trì vệ sinh cá nhận sạch sẽ: Súc miệng, vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nhỏ mũi, mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý 3-4 lần/ ngày (Tránh tối đa việc dụi mắt mũi). Vệ sinh cho trẻ rất quan trọng, trẻ cần được tắm nhẹ nhàng, dùng khăn mềm, sạch, tắm bằng nước ấm và xà phòng kháng khuẩn (Tránh tập tục kiêng nước, không tắm lá, đắp thuốc…để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng thêm cho trẻ).
- Mặc quần áo rộng thoáng, mềm mại, thấm hút mồ hôi để tạo cảm giác thoải mái cho trẻ.
- Khi bị sởi trẻ thường mệt mỏi trẻ có thể ăn kém do đó nên chia nhỏ bữa cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Thực hiện chế độ ăn khoa học, đủ chất, tăng cường vitamin và khoáng chất (đặc biệt thức ăn giàu protein , vitamin A, C).
- Theo dõi thân nhiệt của trẻ 4 giờ/ lần. Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ. Khi trẻ sốt >=38.5 độ cha mẹ chườm ấm cho trẻ ở các vị trí trán, nách, bẹn kết hợp dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15mg/kg (cách nhau mỗi 4-6 giờ). Có thể kết hợp với ibuprofen liều 5-10mg/kg (cách nhau mỗi 6-8 giờ). Cho trẻ uống đủ nước, uống oresol, hoặc nước ép hoa quả.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Bổ sung vitamin A theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng bệnh sởi?
- Tiêm vắc xin cho trẻ theo đúng quy định.
- Khi trẻ có những dấu hiệu sau : Trẻ mệt mỏi, li bì hoặc kích thích, bú kém, bỏ bú. Sốt cao khó hạ > 48 giờ, ban lặn hết mà trẻ còn sốt, ho nhiều, thở nhanh hoặc khó thở, nôn và tiêu chảy…cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
Nếu có thắc mắc cần được tư vấn mời Quý phụ huynh liên hệ theo các cách sau để được hỗ trợ:
Điều dưỡng: Hoàng Thị Huyên- Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hóa nhi.
——————————————————————————————–
BỆNH VIỆN SẢN – NHI BẮC NINH |
Add: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh
Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn
Hotline: 1900 588 827
Website: http://benhviensannhibacninh.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviensannhitinhbacninh